Giao thông là thủ phạm chính
Thưa ông, Hà Nội đang trải qua những ngày ô nhiễm không khí ở mức báo động. Cách đây không lâu, TPHCM cũng trong tình trạng khói bụi mù mịt, có phải mức độ ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn đang gia tăng?
Hà Nội, TPHCM cũng như nhiều thành phố ở châu Á ngày càng bị ô nhiễm không khí. Đáng báo động nhất là ô nhiễm bụi và ozon. Điều này thể hiện qua số ngày chất lượng không khí ở mức kém, xấu với nồng độ bụi vượt quy chuẩn cho phép ngày càng tăng lên. Việc này chúng tôi cũng đã báo động nhiều lần, đã đưa vào Báo cáo môi trường quốc gia cũng như báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội.
Có bốn nguyên nhân chính gây ô nhiễm bụi là sự gia tăng các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ và hoạt động của các nhà máy nhiệt điện. Dù các nhà máy này cách xa Hà Nội song bụi mịn PM2,5 có khả năng phát tán rất xa. Trong 4 nguyên nhân này thì giao thông đang là thủ phạm chính. Ở Băng Cốc chẳng hạn, hệ thống xe buýt ở đây dùng nhiên liệu gas nên khá sạch. Tình trạng ô nhiễm không khí vì thế được cải thiện hơn. Việt Nam vẫn dùng xăng, dầu là chủ yếu. Thêm nữa các tòa nhà, công trường xây dựng mọc ngay trung tâm thành phố càng làm cho không khí ô nhiễm hơn.
Quản lý môi trường chồng chéo, manh mún
Ô nhiễm không khí nhận ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn tiếp tục gia tăng, tại sao lại có chuyện này?
“Nếu vấn đề ô nhiễm không khí không được các ngành, các cấp nhận thức đúng đắn, coi đây là vấn đề nghiêm trọng, cấp bách thì một ngày không xa, Hà Nội, TPHCM sẽ ô nhiễm không kém gì Bắc Kinh”.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường
Một số giải pháp cũng được đề ra như tăng cường giao thông công cộng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng xăng, mở rộng vệ sinh các tuyến đường phố, các xe chở vật liệu xây dựng phải được che kín, lốp xe phải được rửa sạch trước khi ra đường. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Tuy nhiên, những việc này còn xa mới đáp ứng được nhu cầu bảo vệ môi trường không khí. Ví dụ việc kiểm soát, hạn chế phương tiện cá nhân khó thực hiện. Hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều xe buýt cũ kỹ, thả khói đen xì. Người dân chưa có thói quen đi bộ. Nếu có đi bộ thì vỉa hè đâu, lòng đường đâu. Tốc độ xây dựng các công trình, tòa nhà chậm chạp như dự án đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh chẳng hạn.
Hiện nay, việc quản lý các vấn đề môi trường ở Việt Nam rất manh mún. Ví dụ quản lý môi trường các công trình xây dựng là do Bộ Xây dựng. Việc xe ra khỏi công trường có rửa lốp hay không, có phủ bạt hay không phụ thuộc nhiều vào ý thức của đơn vị xây dựng. Chẳng hạn công trường xây dựng tòa nhà Lotte khá sạch nhưng ngay bên cạnh đó, một công trình xây dựng của Việt Nam thì bụi mù mịt.
Vấn đề quản lý khí thải xe máy, ô tô lại do Bộ Giao thông Vận tải. Các giải pháp cơ bản giảm thiểu ô nhiễm không khí như hạn chế xe cá nhân, quy hoạch đường sá…cũng do Bộ Giao thông Vận tải. Trong khi các nước, việc quản lý môi trường đều do Bộ Môi trường làm, tốt xấu thì Bộ Môi trường phải chịu trách nhiệm còn ở ta quản lý manh mún, cát cứ nên giảm hiệu lực và tính chịu trách nhiệm. Luật Bảo vệ Môi trường 2014 đã quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất quản lý các vấn đề về môi trường. Tuy nhiên thời gian tới, quy định này phải được thực hiện rõ nét hơn.
Không kiểm soát được việc xây nhà cao ốc, xe cá nhân thì Hà Nội sẽ còn ùn tắc và ô nhiễm nặng hơn. Ảnh chụp tại ngã ba Lê Văn Lương - Vũ Trọng Phụng ngày 4/3. Ảnh: Anh Trọng
Bản thân nhiều địa phương cũng chưa thực sự chú trọng đến ô nhiễm không khí và đầu tư đúng mức cho vấn đề này. Ở Hà Nội, TPHCM, chúng tôi nhiều lần khuyến cáo nên xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí. Kinh nghiệm các thành phố trên thế giới cho thấy, đây là bộ công cụ rất hữu hiệu để quản lý chất lượng không khí. Tuy nhiên, dù đã đề xuất cách đây 7-8 năm. Nhiều lần kiến nghị nhưng cả Hà Nội và TPHCM vẫn chưa xây dựng kế hoạch này.
Ngay như hệ thống trạm quan trắc. TPHCM bây giờ không có trạm quan trắc nào. Hà Nội có vài trạm nhưng cũng hỏng. Tôi nghĩ không lý gì những thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội lại không có đầy đủ trạm quan trắc tự động. Không có trạm quan trắc thành phố giống như bị mù. Biết là ô nhiễm đấy nhưng ô nhiễm như nào, mức độ bao nhiêu không biết, không có cơ sở khoa học để thực hiện những việc khác.
Ở nhiều địa phương, kinh phí xử lý ô nhiễm không khí cũng chỉ bằng 1/10, thậm chí 1/100 kinh phí xử lý rác thải, nước thải. Tôi nghĩ các địa phương chưa nhận thức đúng vị trí của ô nhiễm không khí trong khi đây là nguyên nhân gây ung thư hàng đầu.
Vậy thưa ông, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp gì giải quyết tình trạng này?
Chúng tôi đang trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch Hành động Quốc gia Kiểm soát ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, kế hoạch này có thực hiện được hay không dựa vào sự quyết tâm của nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan. Nếu vấn đề ô nhiễm không khí không được các ngành, các cấp nhận thức đúng đắn, coi đây là vấn đề nghiêm trọng, cấp bách thì một ngày không xa, Hà Nội, TPHCM sẽ ô nhiễm không kém gì Bắc Kinh .
Xin cảm ơn ông!
Ô nhiễm không khí làm gia tăng ung thư phổi
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, trong 15 năm qua hầu hết các loại ung thư tại Việt Nam đều gia tăng. Đáng chú ý ung thư phổi đã tăng gấp đôi sau 10 năm, năm 2000 số mắc ung thư phổi là 17/100.000 dân, đến 2010 đã tăng lên gấp đôi, tới mức 34 người/100.000 dân. GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu ung thư nhận định, hơn 80% trường hợp ung thư là do yếu tố môi trường bên ngoài tác động vào như không khí ô nhiễm, thực phẩm, nước uống mất vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường làm việc độc hại.
Các chuyên gia y tế cho biết, theo nghiên cứu, nguyên nhân khiến lượng lớn người mắc bệnh ung thư phổi trong những năm gần đây là do ô nhiễm không khí. Bệnh ung thư phổi xuất hiện nhiều ở những nơi có nồng độ nitrogen ocid cao do xe cộ sản sinh ra. Với số lượng các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy ngày càng lớn như hiện nay thì lượng sản sinh ra các chất độc hại gây bệnh ung thư ngày càng tăng và ung thư phổi cũng ngày càng phát triển.
Thái Hà