Để “cột mốc sống” vững vàng

Để “cột mốc sống” vững vàng
TP - Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát trong Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện hỗ trợ ngư dân tham gia hoạt động trên các vùng biển xa, kể lại câu chuyện cảm động về những người lính Trường Sa khi nhìn thấy tàu ngư dân xung quanh đảo.

> 100 câu hỏi - đáp về biển, đảo dành cho Tuổi trẻ Việt Nam
> Cảnh sát biển đón nhận Huân chương Chiến công hạng nhất

Lúc đó, ông mong ước đến một ngày, quanh đảo có 1 ngàn chiếc tàu ngư dân phủ kín, đồng nghĩa có hơn 10 ngàn lao động hiện diện giữa trùng khơi Trường Sa.

Ngư dân Việt mãi là những cột mốc sống giữ chủ quyền trên biển. Bất luận trong hoàn cảnh nào thì tâm nguyện của họ là vươn khơi xa bám ngư trường. Nhưng, giữa muôn trùng hiểm nguy của bão tố, giữa bao gian khó của đời thường, của cơ chế nhiều khi khiến họ có dấu hiệu chồn chân. Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát vẫn băn khoăn việc hỗ trợ xăng dầu, máy móc là rất kịp thời, mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Tuy nhiên, để ngư dân yên tâm hơn về một hậu phương lớn, chừng đó là chưa đủ.

Có tới 10 vấn đề vướng mắc, khó khăn được đặt ra trong báo cáo sơ kết tại hội nghị. Đó cũng chính là 10 rào cản lớn cần giải quyết ngay để các chính sách ưu đãi, tiền của Nhà nước đến tay ngư dân thật sự mau chóng, dễ dàng.

Ông Phan Huy Hoàng – Phó GĐ Sở NN&PTNT Quảng Ngãi đau đáu: Tàu mới ra Hoàng Sa, bị cướp phải quay về. Phải làm sao, khi chúng ta luôn khuyến khích bà con bám biển mà thiếu một cơ chế đặc thù cho họ? Phải làm sao khi ngư dân đã bắt đầu “ngại” ngư trường nguy hiểm? Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đặt câu hỏi cho chính mình. “Tại sao không vận dụng cùng lúc nhiều biện pháp, tại sao không lồng vào chương trình khuyến ngư, làm thế nào để đánh bắt hiệu quả?”. Ai sẽ trả lời câu hỏi này? Chắc chắn không thể là ngư dân.

Bao đời nay, những ngư dân Việt quả cảm bất chấp cuồng phong, bão tố và cả những hiểm họa nhân tai, họ kiên gan như những “sói biển”. Đó là Lê Văn Chiến, Lê Dũng, Mai Phụng Lưu, Bùi Văn Phải... bao lần tả tơi nhưng vẫn hiên ngang cờ Tổ quốc trực chỉ Hoàng Sa.

Nhưng ra khơi bằng niềm tin là chưa đủ, khi mỗi con tàu luôn thiếu thốn trăm bề, lương thực, y tế, cứu nạn cứu hộ... Còn ở trên bờ đối diện nguy cơ thất bát, nợ nần tín dụng đen. Hỗ trợ ngư dân - đó là quyết sách kịp thời và đúng đắn, nhưng để mong ước mỗi ngư dân trên từng con sóng là cột mốc chủ quyền biển đảo, vẫn còn đó bộn bề công việc phải lo, phải toan tính. Thời gian không đợi quyết sách. Và ngóng đợi của ngư dân lại càng thúc bách hơn...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Mưa lớn tái diễn tại Huế, nguy cơ ngập úng và sạt lở
Mưa lớn tái diễn tại Huế, nguy cơ ngập úng và sạt lở
TPO - Theo dự báo, từ ngày 22 đến 24/11, tại Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) có mưa, mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to; tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 500mm, gây khả năng xuất hiện một đợt lũ, nguy cơ ngập lụt, ngập úng kéo dài và trượt lở đất ở các địa phương.