> Không thể vừa quản lý vừa giám sát
Chỉ trong một thời gian ngắn, những mặt hàng thiết yếu như điện, gas, xăng dầu... đều nhất loạt tăng giá. Tệ hại hơn như đã thành quy luật, ngay sau khi mấy “ông” độc quyền được liên bộ “bật đèn xanh” cho tăng giá một thì nhiều mặt hàng khác đã nhanh chóng “ăn theo” tăng giá mười.
Trong khi xăng tăng 1100 đồng/lít, nhiều hãng taxi đã lập tức tuyên bố tăng thêm 1000 đ/km, như vậy chạy 100km hết trung bình 10 lít xăng sẽ tốn thêm 11.000 đồng, song hãng taxi lại được lợi tới 100.000 đồng.
Đơn cử như mớ rau muống tại Hà Nội, mấy ngày qua cũng tăng từ 2.500 đồng lên 4.000 đồng/mớ, tăng tới 60%. Áp lực tăng giá, được châm ngòi từ các doanh nghiệp độc quyền như xăng dầu, đang đè nặng lên hàng chục triệu người làm công ăn lương, lên bữa cơm của hàng triệu gia đình, lên toàn xã hội.
Nếu tăng giá không đúng, đôi khi chỉ vì lợi ích cục bộ của một ngành, thậm chí một nhóm công ty với bản năng kinh doanh luôn giành phần lợi cho mình, đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới cả xã hội, làm bữa cơm của hàng triệu gia đình vốn đã đạm bạc, nay lại càng thêm teo tóp.
Vậy phải có ai quản lý và giám sát việc tăng giá những mặt hàng thiết yếu, độc quyền này chứ ? Xin thưa Bộ Tài Chính có Cục Quản lý giá, Bộ Công Thương có Cục Quản lý cạnh tranh, Vụ thị trường trong nước... song như nhiều chuyên gia đã phân tích, hoặc những cơ quan này không đủ điều kiện cần để quản được giá vì toàn bộ quá trình và phương thức kinh doanh của doanh nghiệp lại không nắm được, hoặc rơi vào tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” - vừa sở hữu, vừa giám sát, lại vừa làm chính sách.
Lâu nay, với giá xăng hay giá điện, liên Bộ Tài chính – Công thương đều căn cứ đề xuất của doanh nghiệp để điều chỉnh giá trên nguyên tắc bảo đảm có lãi cho chính các doanh nghiệp này.
Hay nói cách khác vô hình trung lợi ích của các doanh nghiệp này đã được bảo hộ. Vậy ai bảo hộ quyền lợi cho người tiêu dùng ? Có cơ chế nào hiệu quả để người tiêu dùng đề xuất giảm giá xăng dầu, điện lên liên Bộ không ?
Không chỉ điện hay xăng dầu cần giám sát độc lập, mà những lĩnh vực dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục cũng rất cần có cơ quan tương tự.
Việc nhiều bệnh viện khai gian vật tư, vật liệu y tế hòng đội giá trong đợt tăng viện phí vừa qua, hay vấn đề giá thuốc, vấn đề học phí liên quan tới tiêu chí thế nào là trường chất lượng cao là một ví dụ. Liệu Bộ Y tế hay Bộ Giáo dục & Đào tạo có giám sát được những vấn đề trên ?
Rõ ràng việc cần có một ủy ban giám sát giá cả, thị trường độc lập, đủ mạnh, tốt nhất là trực thuộc Quốc Hội, là điều tối cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và của cử tri cả nước.