Phải hạn chế ủy quyền lập pháp

Phải hạn chế ủy quyền lập pháp
TP - Trao đổi với Tiền Phong, GS.TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng, những quy định thiếu và ngược thực tế cuộc sống sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật.

> Cho phép bắn người: Nhiều rủi ro, chưa cần thiết
> Văn bản pháp luật nào sẽ bị đình chỉ, bãi bỏ?

Thiếu phản biện độc lập

Hiện nay chúng ta đã có các cơ quan thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản tuy nhiên theo ông tại sao những văn bản này vẫn được ban hành?

Đúng là có những cơ quan như vậy và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 còn quy định quy trình chi tiết. Dù có cơ quan, có quy trình nhưng cách thức soạn thảo và thông qua văn bản như hiện nay khó kiểm soát được tình hình.

Việc soạn thảo một văn bản do một Ban soạn thảo bao gồm đại diện của các cơ quan quản lý (các Bộ, ngành). Sau đó, việc thẩm định cũng do một Hội đồng gồm đại diện của các cơ quan quản lý thực hiện.

Các tổ chức xã hội độc lập, các nhà khoa học độc lập ít có cơ hội tham gia nên kết quả soạn thảo và thẩm định có thể định trước là được thông qua.

Các đánh giá, thẩm định thường có công thức chung, rất xã giao như sau: “Về cơ bản Bộ, ngành chúng tôi nhất trí với nội dung dự thảo và xin góp ý thêm một số điểm sau đây để quý Bộ, ngành hoàn thiện dự thảo”.

Những ý kiến phản biện nếu động đến quan hệ giữa hai Bộ, ngành dễ bị “phạt góc”. Ý tôi muốn nói trong quá trình soạn thảo và thẩm định, ít có được những cái nhìn đa chiều, những sự phản biện thẳng thắn và độc lập. Sự nể nang của hội đồng thẩm định, sự vận động của những Bộ, ngành chịu trách nhiệm soạn thảo đương nhiên sẽ cho ra đời những sản phẩm chưa được kiểm định kỹ càng.

ủy quyền lập pháp

Liên bộ Khoa học&Công nghệ, Công an, Công thương và Giao thông Vận tải từng phải dừng thông tư 06 xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm do văn bản thiếu tính thực tiễn. Ảnh: Hồng Vĩnh
Liên bộ Khoa học&Công nghệ, Công an, Công thương và Giao thông Vận tải từng phải dừng thông tư 06 xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm do văn bản thiếu tính thực tiễn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Ông nhận xét ra sao khi có ý kiến cho rằng, không nước nào ban hành luật lại cần phải có nhiều văn bản hướng dẫn như ở ta?

Nhận xét đó quá đúng. Ít quốc gia nào có đến 19 loại văn bản pháp luật khác nhau và nhiều cơ quan đều có quyền ban hành pháp luật như vậy.

“Nhiều khi chức năng “lập pháp” được biến thể dưới hình thức ủy quyền lập pháp do việc giao Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn. Đây thực chất là chuyển trách nhiệm lập pháp sang cơ quan hành pháp”.

GS.TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp ly

Cấp xã, cấp huyện cũng ban hành quy định pháp luật. Nhiều khi, những luật gia chuyên nghiệp cũng thấy choáng vì không theo kịp sự vận động của văn bản pháp luật. Ví dụ, chỉ mới đây thôi, khi thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính, Quốc hội giao cho Chính phủ ban hành 56 Nghị định để giải thích và có lẽ sẽ còn vô số các thông tư của Bộ, ngành sẽ được ban hành sau các nghị định này.

Tình trạng nội dung các văn bản pháp luật khấp khểnh là khó tránh. Một văn bản luật do Quốc hội khi ban hành phải trải qua việc đánh giá tác động, lấy ý kiến nhân dân, thảo luận tại các ủy ban chuyên trách của Quốc hội và tại phiên họp vẫn có thể chứa đựng những mâu thuẫn, bất cập thì các văn bản của các Bộ, ngành càng dễ rơi vào tình trạng này.

Xu hướng các văn bản của ngành là dễ cho việc quản lý, tăng vị thế của ngành nên việc bỏ qua nguyện vọng và quyền lợi của người dân là điều khó tránh.

Đúng là vẫn còn tình trạng cơ quan chủ trì soạn thảo đưa ra các quy định tại dự thảo luật, pháp lệnh theo hướng có lợi cho cơ quan, ngành mình. Theo ông cơ chế làm luật, pháp lệnh cần có những đổi mới ra sao để khắc phục thực trạng này?

Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là cơ hội lớn cho những thay đổi trong lĩnh vực xây dựng và thực thi pháp luật. Sự phân công quyền lực không rõ ràng, sự kiểm soát quyền lực không hữu hiệu cần được khắc phục và đó là giải pháp theo tôi cơ bản nhất mà chúng ta cần có.

Nhiều khi chức năng “lập pháp” được biến thể dưới hình thức ủy quyền lập pháp do việc giao Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn. Đây thực chất là chuyển trách nhiệm lập pháp sang cơ quan hành pháp.

Khi thực hiện “hoạt động lập pháp” được ủy quyền này Chính phủ giao cho các Bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản. Các Bộ, ngành khi xây dựng văn bản luôn tìm đến cơ chế liên tịch, xin ý kiến của Bộ, ngành khác để có được sự đồng thuận trong Chính phủ khi thông qua văn bản.

Trách nhiệm đối với những văn bản pháp luật “trên trời rơi xuống” như cách gọi của báo chí được hòa tan, không ai nhìn thấy, không ai chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm chính trị.

Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật thì hệ quả của sự phân công quyền lực không rõ ràng, thiếu kiểm soát là tình trạng hệ thống pháp luật quá khổng lồ về số lượng, trong đó hệ thống văn bản pháp quy của Chính phủ lớn gấp nhiều lần so với các văn bản pháp luật của Quốc hội, chứa đựng nhiều bất cập, mâu thuẫn và thiếu thực tế .Nếu vấn đề cơ bản này không xử lý được thì những đổi mới về quy trình, thủ tục ban hành văn bản pháp luật không mang lại thành công.

Cám ơn ông.

Hà Nhân
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.