Điểm tựa của ngư dân giữa Trường Sa

Điểm tựa của ngư dân giữa Trường Sa
TP - “Giờ đi Trường Sa thuận lợi, chẳng lo thiếu xăng dầu, lương thực, nước ngọt, hay ốm đau… Có đảo, ngư dân thêm an toàn, vững tâm đánh bắt hải sản, tạo năng suất cao”, ông Phạm Công (Cam Lâm, Phú Yên), chủ tàu cá PY 91036TS, nói.

> Nhà nổi trên đảo Đá Tây

Trạm hậu cần nghề cá đảo Đá Tây Ảnh: Nguyễn Huy
Trạm hậu cần nghề cá đảo Đá Tây. Ảnh: Nguyễn Huy.

Hỗ trợ dầu, miễn phí nước

Từ lâu các đảo Trường Sa (Khánh Hòa) trở thành ngôi nhà chung của ngư dân Việt Nam khi khai thác hải sản tại vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Vừa cập đảo Song Tử Tây (huyện Trường Sa), đoàn công tác số 13 bất ngờ gặp ngư dân miền Trung vừa đánh thuyền vào âu thuyền để xin con dấu, hỗ trợ nước ngọt, xăng dầu.

Ông Công bảo: Nhiều ngày lênh đênh tìm điểm câu nên mất khá nhiều dầu, lương thực dự trữ. Giờ quay vào bờ sẽ tốn thêm nhiều chi phí; chỉ tính riêng tiền xăng dầu đã mất vài chục triệu đồng.

“Nhờ có đảo, chúng tôi được hỗ trợ xăng dầu theo đúng giá bán trên đất liền. Ngay nước ngọt cũng được các anh cho miễn phí...”, ông nói.

Đây là lần thứ 2 kể từ đầu năm, tàu ông Công cập đảo Song Tử Tây trong những lần khai thác ngoài Trường Sa. Chuyến trước, ông nhập thêm từ đảo hàng trăm lít dầu và nước ngọt.

Theo Thượng tá Vũ Văn Cường, Đảo trưởng Song Tử Tây, vùng biển quanh đảo có nhiều tiềm năng về hải sản nên thu hút nhiều tàu thuyền Việt Nam đến khai thác. Gần đây, việc đưa vào sử dụng âu tàu cùng trạm dịch vụ nhiên liệu cho tàu thuyền ngư dân tại đảo đã tạo thêm điều kiện cho ngư dân khai thác, đánh bắt hiệu quả.

Đặc biệt, ngư dân đến âu tàu được cung ứng nhiên liệu theo đúng giá của quy định của Nhà nước như trong đất liền… Thống kê năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 cho thấy, đảo đã hỗ trợ gần 180 lượt tàu cá Việt Nam, cấp hơn 100.000 lít dầu, 120 lít nhớt, miễn phí 247m3 nước ngọt cho ngư dân.

Không riêng Song Tử Tây, tại khu vực neo đậu tàu cá đảo Đá Tây (Trường Sa) thường xuyên có tàu thuyền ngư dân Việt Nam ra vào. Trung bình mỗi đợt có 7-8 tàu thuyền neo đậu, những ngày biển động lượng tàu lên đến 80-100 chiếc. Trạm hậu cần nghề cá tại đảo hoạt động liên tục, với nhiều dịch vụ hỗ trợ như: cung ứng nhiên liệu, sửa chữa tàu thuyền ngư dân, cứu hộ cứu nạn, thu mua hải sản...

Ông Chu Minh Sơn, Trạm trưởng Trạm Hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, cho hay: Từ đầu năm 2011, đơn vị hỗ trợ ngư dân 26 tấn lương thực, gần 1.400 lít nước ngọt và hàng trăm lít dầu diesel. Đảo Đá Tây cung ứng miễn phí 2.500 lít nước ngọt cho ngư dân Việt Nam.

Theo Trung tá Đinh Trọng Thắm, Đảo trưởng Sinh Tồn (Trường Sa), các ngư dân vào đảo cần sự hỗ trợ đều được đơn vị sẵn sàng đáp ứng. Dù khó khăn, thiếu thốn về nước ngọt, nhất là trong những tháng nắng nóng, nhưng đảo vẫn hỗ trợ mức 300-400 lít nước ngọt/tàu cho ngư dân và lương thực thiết yếu.

Cấp cứu kịp thời

“Mỗi lần vào đảo, ấm lòng hơn, các ngư dân được cán bộ, chiến sĩ trên đảo tận tình giúp đỡ. Nhờ có đảo, anh em ngư dân bắt sóng điện thoại liên hệ về gia đình, đỡ nhớ nhà trong tháng ngày biền biệt.

Đặc biệt, những lúc ốm đau, gặp tai nạn lao động nếu không có quân y các đảo, tính mạng ngư dân chẳng khác nào treo cột buồm, anh Phạm Năm (Bình Sơn, Quảng Ngãi), ngư dân trên tàu QNg 95339TS, tâm sự.

Đầu tháng 5-2011, đang đánh bắt ở vùng biển Trường Sa Đông, anh Năm bị tàu đập mạn gẫy dập ngón chân. Cả tàu phải cập đảo nhờ giúp đỡ. Trung úy, BS. Hoàng Minh Tiến (trạm xá trưởng Trường Sa Đông) cho hay: Đơn vị sơ cứu, khám chữa và cắt lìa phần ngón chân đang bị hoại tử do chấn thương nặng.

Sau hơn 1 tuần điều trị tại đảo, bệnh nhân ổn định và tiếp tục đánh bắt trên biển. Năm 2011, đảo Trường Sa Đông khám chữa cấp cứu cho 11 ngư dân.

Phần lớn ngư dân điều trị tại đảo bị ngộ độc, ngứa do san hô, chấn thương do xây xát, va chạm… Hai năm nay, đảo Song Tử Tây cấp phát thuốc miễn phí cho gần 380 lượt ngư dân và cấp cứu 20 ngư dân.Quân y đảo Đá Tây cấp cứu 2 ngư dân bị đau nặng, khám chữa hơn 300 lượt ngư dân.

Theo Thiếu úy Nguyễn Đình Thu, quân y đảo Cô Lin, từ đầu năm, có 11 ngư dân gặp bệnh vào đảo được hỗ trợ. Trong đó có 1 trường hợp nghi ruột thừa được chuyển Trạm y tế Trường Sa Lớn để khám chữa.

Theo anh Chu Minh Sơn (đảo Đá Tây), thời gian qua, đơn vị nâng cấp trang thiết bị, sửa chữa tàu thuyền tại đảo để hỗ trợ ngư dân. Tàu thuyền vào trạm được miễn phí tiền công, chỉ mất tiền vật tư theo giá trong đất liền.

Riêng năm 2011, đơn vị sửa chữa kịp thời cho 22 tàu thuyền ngư dân để tiếp tục khai thác trên biển. Mới đây, Trạm phối hợp với cán bộ, chiến sĩ trên đảo cứu hộ thành công một tàu cá Phú Yên mắc cạn.

“Đảo trở thành điểm tựa vững chắc của dân trong khai thác và phối hợp bảo vệ chủ quyền. Nhờ đó, càng về sau số lượng tàu thuyền khai thác quanh đảo tăng lên. Qua tìm hiểu, phần lớn ngư dân khai thác hiệu quả, giảm phí tổn và đảm bảo an toàn tính mạng”, Thiếu tá Nguyễn Văn Quảng, Đảo trưởng Đá Tây, nói.

Dâng hương viếng Bác

Chiều 23-5, đoàn thăm Trường Sa (số 13), do ông Tưởng Phi Chiến, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội làm trưởng đoàn cùng gần 200 thành viên, dâng hương kính viếng Bác Hồ tại nhà Tưởng niệm Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa Lớn (huyện Trường Sa).

Cùng ngày, đoàn dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đài tưởng niệm Trường Sa Lớn, cùng trụ trì chùa Trường Sa Lớn dâng kinh cầu quốc thái dân an, bền vững chủ quyền biển đảo dân tộc.

Nhân dịp này, đoàn công tác tỉnh Bắc Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu tặng huyện đảo Trường Sa 2 chiếc xuồng CQ trị giá 3 - 3,5 tỷ đồng/chiếc. Theo ông Nguyễn Văn Thư, Phó chủ tịch HĐND huyện đảo Trường Sa, việc thêm 2 chiếc xuồng CQ cao tốc góp phần tăng cường công tác tuần tiễu, tuần tra, bảo vệ chủ quyền trên biển, đưa đón cán bộ, nhân dân ra vào bờ và tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.