>> Tạm dừng khai thác tất cả các loại gỗ sưa
>> Ai bảo vệ hơn 1.000 cây sưa bạc tỷ?
>> Dùng sưa vì mục đích tâm linh và chữa bệnh?
Nhiều người lao động có việc làm từ việc ươm sưa giống. Ảnh: Đức Kế |
Sưa lên rừng, sưa xuống núi
Sau những ngày cao điểm của “cơn sốt” gỗ sưa vừa qua, người dân khắp nơi lại đổ xô đi tìm giống cây sưa - “cây vàng, cây bạc” về trồng. PV Tiền phong đã thâm nhập, để hiểu thêm về phong trào trồng cây sưa ở một số tỉnh như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái...
Dân tình đồn về một người mối lái mua giống cây sưa tên là Giang, sau nhiều lần liên lạc, chúng tôi cũng tìm gặp được anh. Trong vai người muốn mua giống cây sưa về trồng với số lượng lớn nhưng yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng cây, Giang đã đưa chúng tôi đi “mục sở thị” những vườn cây sưa của người dân mà Giang là người dắt mối chọn giống.
Từ Hà Nội, sau mấy tiếng đồng hồ, chúng tôi có mặt tại địa phận huyện Sơn Động (Bắc Giang). Nhưng từ huyện lỵ Sơn Động, sau nhiều lần rẽ quanh co, ngoằn ngoèo, qua nhiều ngọn đồi, chúng tôi mới tới được nhà anh Hoàng Văn Toản, ở thôn Thoi, xã Dương Hưu. Ngay từ cổng vào, những hàng cây hai bên tỏa tán xum xuê, mát rượi.
Giang nói: “Đây là những cây sưa khoảng 3 năm tuổi. Phía bên cuối vườn, cây ít tuổi hơn nhưng đều là sưa đỏ (hay còn gọi là huỳnh đàn lõi đỏ - quý nhất trong họ sưa)”.
Khi chúng tôi đến, anh Toản đang lúi húi chăm sóc cây trong vườn. Tay chân anh vẫn còn lấm lem bùn đất. Anh nói: “Có lẽ, tôi cũng là người có duyên với cây này”. Nguyên do được anh lý giải: Năm 2005, tình cờ gặp Giang và nghe kể về một loại cây quý, có thể ươm trồng, cho sinh lợi cao, anh Toản đã theo Giang đi tìm hiểu.
Lúc đầu, anh chỉ mua mấy chục cây khoảng 1-2 năm tuổi về trồng, với giá 50.000 đồng/cây. Đến cuối năm 2006, thấy nhiều nơi “sốt” gỗ sưa, đi tìm hiểu thì anh mới biết đó chính là cây mà mình đang trồng. Thế là, anh lân la dò tìm, bán được cho mấy tay trồng rừng ở Kon Tum, giá cả triệu đồng mỗi cây. Anh để lại mấy cây, rồi dùng số tiền đó nhờ Giang đi mua giống về ươm.
“Chính mấy tay buôn gỗ có tiếng xác nhận đây là huỳnh đàn lõi đỏ” - Anh Toản nói với tôi. Cũng theo Toản, để mua được giống “xịn” không phải dễ; muốn mua giống tốt, cứ nhờ anh Giang.
Dường như vẫn chưa đủ làm tôi tin, Giang quay xe chở tôi ngược lên thượng nguồn phía huyện Lục Ngạn, nơi có nhiều vạt rừng sưa mới mọc. Tiếp chúng tôi là một người khá trẻ. Theo lời Giang giới thiệu, anh tên là Thân Văn Hồng. Anh Hồng dẫn chúng tôi đi thăm vườn sưa. Dù mới trồng được vài tháng nhưng những cây sưa đã xum xuê lá.
Anh Hồng cho biết, đã dồn hết tiền góp được từ những vườn vải, mua được gần 10.000 cây sưa giống. Thấy tôi băn khoăn về thị trường tiêu thụ sau này, anh Hồng nói: “Dù không đắt như bây giờ thì sau này gỗ sưa vẫn rất quý, bởi nó thuộc nhóm 1A đặc biệt quý hiếm”.
Cứ theo lý giải của anh Hồng, trồng nhãn, vải giờ đây không còn hấp dẫn như trước nữa nên anh mạnh dạn chuyển sang trồng sưa. Trước mắt chưa cho thu nhập nhưng mươi năm sau, chắc cây sẽ không phụ người…
Mua giống sưa: Không dễ
Anh Hoàng Văn Toản (thôn Thoi, xã Dương Hưu, Sơn Động, Bắc Giang) đang chăm sóc cây sưa giống Ảnh: Đỗ Sơn |
Hiện, nhu cầu trồng sưa đang tăng đột biến, do đó, giá cây giống sưa cũng cao ngất ngưởng, có nơi tới vài chục ngàn đồng/cây vài tháng tuổi. Điều quan trọng nhất đối với người dân là làm sao chọn được giống cây sưa tốt, đúng loại quý nhất (sưa đỏ hay huỳnh đàn lõi đỏ). Nhưng điều đó không hề đơn giản…
Theo những dòng quảng cáo trên một số website như vietlinh.com, longdinh.com, xaluan.com, raovat.com, mard.gov.vn…, chúng tôi trực tiếp đến một số cơ sở bán giống cây để tìm hiểu.
Trại giống Gò Dài (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) của Cty Đầu tư & Phát triển năng lượng thiên nhiên được xem là một trong những điểm cung cấp giống sưa lớn ở miền Bắc.
Anh Nguyễn Duy Trường - Phụ trách trại giống cho biết, hiện trại giống có hơn 2 vạn cây sưa con, khoảng 6 - 7 tháng tuổi, cao 25-30cm. Theo anh Trường, hồi tháng 6 - 7 vừa rồi, giá giống sưa “sốt” mạnh, có lúc lên tới vài trăm ngàn đồng/cây.
Hiện, nhu cầu người dân vẫn rất cao, giá cây sưa con (giao tại trại giống) dao động 8.000 - 10.000 đồng/cây (nếu mua với số lượng từ vài ngàn cây trở lên).
Từ đầu năm đến nay, Cty này đã bán khoảng 20 vạn cây sưa giống, thu nhiều tỷ đồng, chủ yếu bán cho khách hàng ở phía Nam (TPHCM, Bình Dương, Bình Phước…).
Khi chúng tôi thắc mắc về cách phân biệt giống cây sưa đỏ và sưa trắng (tuy cùng họ nhưng giá trị kinh tế chênh lệch nhau rất lớn), anh Trường hứa: “Cứ yên tâm đi, chúng tôi sẽ đảm bảo chất lượng. Chúng tôi sẽ viết bản cam kết để chứng minh”.
Hỏi đảm bảo bằng cách nào, anh này lý giải lòng vòng: “Bây giờ, chẳng ai dám đứng ra đảm bảo điều gì. Mà muốn chứng minh bằng khoa học thì không phải là một nhà khoa học mà phải là cả hội đồng” - Anh Trường nói.
Cũng theo anh Trường, cây sưa của Cty được ươm từ hạt cây sưa trồng ở Hà Nội. “Anh cũng chỉ cần biết thế thôi, chứ còn từ cây sưa cụ thể nào thì chúng tôi không nói được, tế nhị lắm!” - Trường nói. Để thiết thực hơn nữa, anh Trường đốt hạt cây này cho xem “nếu có mùi thối (vì thế cây sưa đỏ còn được gọi là trắc thối) thì đích thị là hạt sưa đỏ!”.
Hiện, nhiều cơ sở ươm giống ở các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai… đang rao bán giống cây sưa. Thậm chí, ở phía Nam, nhiều cơ sở cũng đã mọc lên như Cơ sở giống Ba Toàn (Long Mỹ, Ân Mỹ, Hoài Ân, Bình Định).
Ngay cả trên website của Bộ NN&PTNT, cũng có những dòng quảng cáo của một số cơ sở. Thế nhưng, theo một nhà khoa học chuyên ngành, việc chọn mua được giống cây sưa tốt, nhất là việc phân biệt sưa đỏ và sưa trắng, thì không hề đơn giản.
Tuy nhiên, người dân chẳng biết hỏi thông tin ở đâu nên ai bán cứ bán, ai mua cứ mua, chất lượng và giá cả thì cứ trôi nổi...
Bắc Giang: 'Sốt' bỏ vải trồng sưa Cùng với cơn sốt săn lùng gỗ sưa và sức hút lợi nhuận, hàng trăm hộ dân ở các huyện Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động (Bắc Giang) đã đổ xô đi tìm mua cây sưa giống về trồng. Cây sưa đã được đưa vào vườn, lên đồi và với một số hộ, loại cây này đã lấn sang đất trồng vải. Riêng trên địa bàn huyện Sơn Động có hàng chục đại lý cung cấp gỗ sưa giống phục vụ nhu cầu của người dân. Trước vấn đề này, chính quyền và các ngành chức năng ở Bắc Giang tỏ ra lúng túng và cũng chỉ khuyến cáo người dân hãy cẩn trọng về chất lượng giống cũng như đầu ra của loại cây này. Ông Nguyễn Quốc Dự - Chi cục trưởng Chi cục phát triển lâm nghiệp Bắc Giang cho biết: Chi cục đang tiến hành nghiên cứu về loại cây này và đánh giá xem có hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở Bắc Giang hay không. Thực tế, “cơn sốt” gỗ sưa đã tạo nên hiệu ứng về phong trào trồng loại cây này và với những gia đình trồng số lượng lớn cũng không khác gì chơi xổ số cầu may! Câu hỏi vì sao giá gỗ sưa lại đắt đến vậy và liệu có liên quan giữa việc tạo “cơn sốt” để bán cây giống giá đắt hay không vẫn rất cần được làm sáng tỏ. |