Ma mới có hơn ma cũ?

Ma mới có hơn ma cũ?
TP - Không muốn ăn theo sức hút của phần 1, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tiết lộ quyết định đổi tên phim thành Làng ma-10 năm sau. Phim chuẩn bị bước vào giai đoạn hậu kỳ.

> Trung Hiếu thay Hồng Sơn đóng ‘Ma làng 2’

Đổi kịch bản vì Đoàn Văn Vươn

Ma làng là chuyện đổi mới ở nông thôn giai đoạn xóa bỏ bao cấp, khoán ruộng. Làng ma-10 năm sau là bối cảnh làng Bâm Dương thời kỳ đua nhau làm giàu, bị đồng tiền khuynh đảo. Đạo diễn nói rằng, ông muốn tiếp tục phản ánh số phận những người nông dân trong thời kỳ mới.

“Trước khi xảy ra vụ Đoàn Văn Vươn khoảng 6 tháng, tôi viết kịch bản đề cập vấn đề đất đai tương tự. Sau đó tôi phải bỏ đi, e rằng người ta nghĩ mình ăn theo thời sự thì xoàng quá”, đạo diễn nói trong cuộc gặp gỡ báo chí gần đây.

Nguyễn Hữu Phần từng làm Gió làng Kình (2008), cũng đề tài nông thôn sau đổi mới. Làng Ma-10 năm sau thời sự hơn, nóng về đất đai. Phim nói đến hai xu hướng nóng trong sử dụng đất: Một bên coi trọng đất là tài sản quý, làm ăn lành mạnh và bảo vệ đất như Nghiệp- tập hợp người trong làng lập công ty cổ phần sản xuất, bán sản phẩm nông nghiệp.

Phe còn lại bị cuốn vào cơn lốc buôn bán đất, dưới danh nghĩa các dự án kinh tế có giá trị cao do tỉnh, huyện ép xuống. Tâm lý nóng vội phát triển các khu công nghiệp, đô thị, du lịch khiến nông thôn mất đi bản sắc làng xã.

Hỏi ông việc thay đổi này có ảnh hưởng lớn đến kịch bản? “Tôi phải thay thế bằng phương án khác. Tiết lộ một chút, kết phim rất khốc liệt. Trong đó, một nhân vật sa ngã phải trả giá đắt bằng cái chết của đứa con”.

Đạo diễn cho rằng khi không thể “xử” nhân vật theo pháp luật, hay luật giang hồ thì nhân vật phải chịu luật nhân-quả, hoặc trả giá về phần tâm linh.

Tuyến nhân vật chính trong phim có sự kế thừa. Ngay đầu phim, cả làng Bâm Dương náo loạn vì tiếng kêu hoảng hốt giữa đêm “Ma!Ma!Ma ông Tòng”.

Thì ra đó là Ất, con trai ông Tòng (vốn chủ tịch xã độc tài thời bao cấp) bỏ nhà đi nay trở về thắp hương cho bố, và cũng trở thành nhân vật trung tâm của Làng Ma-10 năm sau, với âm mưu buôn quan.

Cô Ló (Kim Oanh) từng góp phần làm nên thành công của Ma làng cũng không còn là nhân vật chính nữa, nhường chỗ cho lớp trẻ, như cô con gái Lở, hay Mưa (vợ Nghiệp).

Dỏ của Trung Hiếu có gì?

Gây lên cơn sốt trên màn ảnh nhỏ năm 2007, khán giả nhớ đến Ma làng vì có anh Dỏ qua diễn xuất ấn tượng của Hồng Sơn. Còn nhớ, cuối năm 2011 khi hay tin Hồng Sơn qua đời, hỏi ông tính sao với phần 2 Ma làng-ý tưởng làm tiếp phần hai một phần do Hồng Sơn thúc giục. Đạo diễn có chút bối rối, đành bảo chưa nên bàn vội.

Một năm rưỡi qua, Nguyễn Hữu Phần chọn được Trung Hiếu thay Hồng Sơn. “Ấn tượng của anh Sơn quá tốt, đâm ra tôi lo lắm. Tôi thử mời Quốc Khánh, Quốc Trị, Công Lý, Quang Thắng... đều thấy không ổn. Tôi nói với Hiếu chúng ta không bắt chước Hồng Sơn, Hiếu cứ tìm cách thể hiện riêng”.

So với Hồng Sơn, Trung Hiếu không khắc khổ, mà “hơn hớn” hơn thật. Đạo diễn nói ngay đây là Làng Ma-10 năm sau, anh Dỏ đã trở thành công nhân của công ty do Nghiệp lập ra, cuộc sống cũng thay đổi rồi, không còn nát rượu, chây lười như thời bao cấp nữa. Còn tuổi tác, muốn già đi thì hóa trang. “Ngay từ những cảnh đầu tiên, Trung Hiếu thể hiện rất thành công, tạo ra một Dỏ hoàn toàn mới”.

Ông nói thêm, ngay cả Ló của Kim Oanh cũng thế, cô Ló bây giờ không còn ăn cắp vặt, chửi đổng nữa, mà trở nên vui vẻ trong thời kỳ mới, có cửa hàng hẳn hoi. Tuy vậy, cả Dỏ và Ló đều phải đối mặt với thử thách trong thời kỳ mới, hoặc làm giàu cùng những người trong công ty sản xuất nông nghiệp, hoặc chấp nhận đền bù đất trong các dự án khu du lịch, sân golf.

Làng Ma-10 năm sau dự kiến 33 tập do Nguyễn Hữu Phần viết kịch bản, đạo diễn. Bối cảnh vẫn ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Dự kiến, phim ra mắt cuối năm nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG