Chương trình truyền hình cho thiếu nhi: Đang dần xa rời trẻ em

Cảnh thu hình ca múa thiếu nhi Khmer ở Sóc Trăng Ảnh: Hồng Giang
Cảnh thu hình ca múa thiếu nhi Khmer ở Sóc Trăng Ảnh: Hồng Giang
TP - Thời gian phát sóng chương trình thiếu nhi ở nhiều đài truyền hình địa phương dưới 1% tổng thời lượng, số đài khác trên dưới 2%. Số liệu tại hội thảo Truyền hình trẻ em trước những thách thức của thời đại mới, diễn ra tuần trước ở TP Cần Thơ trong khuôn khổ Liên hoan truyền hình toàn quốc.
Cảnh thu hình ca múa thiếu nhi Khmer ở Sóc Trăng Ảnh: Hồng Giang
Cảnh thu hình ca múa thiếu nhi Khmer ở Sóc Trăng. Ảnh: Hồng Giang.

Từ đây, thống thiết vang lên lời "Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho tuổi thơ", trước hết với lãnh đạo các đài truyền hình sử dụng ngân sách nhà nước.

Chỉ một số ít đài truyền hình địa phương có tỷ lệ phát sóng chương trình thiếu nhi cao như Đà Nẵng 10,3%, Hà Nội 9,1%, HTV 3,8%. Đài truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình thiếu nhi trên VTV2 cũng chỉ 5,8%. Đây là thống kê năm 2010 của HTV (Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh).

HTV còn cho biết, thời gian phát sóng chương trình truyền hình thiếu nhi chủ yếu ở những múi giờ: 6 giờ 30 phút, 7 giờ 30 phút, 14 giờ 30 phút, 16 giờ 30 phút. Đó là lúc thiếu nhi hầu hết đang ở trường học hoặc các cơ sở dạy thêm. Cho nên, một khảo sát tại TP Hồ Chí Minh và vùng lân cận ở nửa năm đầu 2010 cho kết quả, chỉ 30-45% trẻ em có xem chương trình thiếu nhi, trong đó 25-30% xem thường xuyên.

Các tham luận thống nhất đánh giá, chương trình truyền hình thiếu nhi hiện nay không còn gắn bó với trẻ em như trước. Vốn là một trong những chương trình đầu tiên ra đời cùng với Đài truyền hình Việt Nam vào năm 1970, với tên gọi "những bông hoa nhỏ", ban đầu có hai thể loại, ca nhạc và phóng sự ngắn. Dần dần xuất hiện nhiều thể loại: Hoạt cảnh, tạp chí, các cuộc thi, dạy hát, gameshow…lôi cuốn trẻ em.

Thế nhưng gần đây, chương trình truyền hình thiếu nhi bị thu hẹp. Nhạc sỹ Thế Long ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ cho biết, nay chỉ còn ca nhạc, tạp chí và sân khấu thiếu nhi với số lượng chương trình liên tục giảm. Năm 2008 sản xuất 147 chương trình, năm 2009 giảm xuống 51 và năm 2010 còn 47.

Có nhiều nguyên nhân được các tham luận đề cập. Chẳng hạn, trẻ em phải học quá nhiều nên không còn thời gian tham gia các sinh hoạt sản xuất chương trình thiếu nhi, văn nghệ sỹ không còn mặn mà với đề tài, cách làm chương trình sáo mòn, kém hấp dẫn… Tuy nhiên, bức xúc lớn nhất của những người làm chương trình là sự quan tâm của lãnh đạo các đài truyền hình.

Nhà báo Minh Nguyệt ở VTV6 nói thẳng "đầu tư cho chương trình thiếu nhi kém". Nhà báo Trung Hiền ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết "nhiều kịch bản phim hoạt hình tốt nhưng không có kinh phí thực hiện. Kêu gọi xã hội hóa thì trước nay ở Miền Trung chưa có ai tài trợ cho chương trình thiếu nhi".

Nhà báo Thanh Loan ở Đài PT-TH tỉnh Bình Dương tâm sự "trong đài hiện nay, những người làm chương trình thiếu nhi không được coi trọng, thậm chí cho rằng không làm được gì mới làm chương trình thiếu nhi".

Nhuận bút cho chương trình truyền hình thiếu nhi quá thấp. Ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ, biên tập viên chương trình ca nhạc thiếu nhi, từ tìm ý tưởng, hình thành kịch bản, trình duyệt đến tổ chức thực hiện, chỉ được trả 507.500 đồng. Còn toàn bộ kinh phí thực hiện một chương trình có khoảng 30 người làm việc gần tuần (cả bồi dưỡng cho thiếu nhi và thuê trang phục, địa điểm), xấp xỉ 3,3 triệu đồng.

Kết quả là chương trình thiếu nhi ngày càng kém hấp dẫn thiếu nhi. Hơn thế, nhiều đại biểu thẳng thắn nói, chương trình truyền hình thiếu nhi đang giáo điều, áp đặt tư duy của người lớn. Đại diện Ban thanh thiếu niên của VTV cho biết, nhiều chương trình truyền hình thiếu nhi chỉ là núp bóng để hướng tới người lớn. Các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo, đề nghị "sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam, các đài PT-TH địa phương" để khẩu hiệu Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho tuổi thơ thành hiện thực.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG