Bản tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Tập và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm thứ Năm nhấn mạnh ý nghĩa của việc phân định ranh giới trên biển đối với quan hệ song phương và hợp tác trên biển. Hai nước đang có tuyên bố chồng lấn đối với vùng đặc quyền kinh tế trên biển. Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh quan điểm mạnh mẽ phản đối tiến trình phát triển chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Hôm qua, trong ngày thứ hai của chuyến thăm tới Seoul, Chủ tịch Trung Quốc nói rằng, hành động của Nhật Bản trong chiến tranh là “dã man”. Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn thông báo của Văn phòng Tổng thống nước này nói rằng, bà Park và ông Tập cùng bày tỏ quan ngại trước những động thái gần đây của Nhật Bản mà Seoul và Bắc Kinh cho là nhằm xóa trắng tội ác thời chiến tranh và củng cố vai trò của quân đội, tìm cách mở rộng quyền tự vệ. Ông Tập mời bà Park cùng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm bán đảo Triều Tiên thoát khỏi đế quốc Nhật. Tuy nhiên, bà Park không đồng ý ngay mà chỉ nói rằng Hàn Quốc cũng có kế hoạch tổ chức “các sự kiện ý nghĩa”.
Tháng trước, Tokyo tổ chức xét lại Tuyên bố Kono (Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản hồi đó là ông Yohei Kono thừa nhận nhiều phụ nữ Triều Tiên và một số nước châu Á khác bị ép phải phục vụ trong những nhà thổ của quân đội Nhật Bản trong Thế chiến 2). Kết quả xét lại của Tokyo nói rằng, Tuyên bố Kono đã được chỉnh sửa giữa Seoul và Tokyo, cho thấy nó không dựa trên thực tế lịch sử.
Nhật Bản lên tiếng bác bỏ những bình luận trên, cho rằng điều đó gây cản trở cho hòa bình và hợp tác ở khu vực. Tokyo cho rằng, nỗ lực đào bới quá khứ của Trung Quốc và Hàn Quốc không giúp ích cho việc cải thiện quan hệ. “Cố gắng đào xới lịch sử một cách vô ích và biến nó trở thành vấn đề quốc tế sẽ không giúp gì cho việc xây dựng hòa bình và hợp tác ở khu vực”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ.
Chính sách quốc phòng mới của Tokyo mà Nội các Nhật Bản chấp nhận tuần trước đã chọc giận Trung Quốc, trong bối cảnh hai nước mâu thuẫn nặng nề về tranh chấp chủ quyền biển đảo, mất lòng tin và bất đồng vì quan điểm chiến tranh trong quá khứ.