Hãng RIA Novosti ngày 6/9 dẫn cuộc trả lời phỏng vấn của Tổng thống Petro Poroshenko trên một kênh truyền hình Ukraine khẳng định, ông không hỗ trợ các giải pháp dẫn tới sự độc lập của vùng Donbas, mà sẽ làm mọi thứ có thể để đưa Donbass cũng như bán đảo Crimea trở về với chính quyền Kiev.
Theo người đứng đầu nhà nước Ukraine, có 3 kịch bản để thực hiện mục tiêu trên.
“Thứ nhất, sử dụng sức mạnh quân sự của các lực lượng vũ trang, giải phóng lãnh thổ và trục xuất lực lượng ly khai cũng như binh sĩ Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine.
Thứ hai, xây dựng bức tường ngăn cách Donbass với phần còn lại của Ukraine. Gây sức ép về thương mại cũng như chính trị, buộc lực lượng ly khai ở Donbass phải đầu hàng.
Thứ ba, giải quyết tình hình ở Donbass trên cơ sở một hiệp định Minsk mới ưu tiên thỏa mãn các điều kiện của Kiev”.
Ông Poroshenko cũng nhấn mạnh, để đạt được điều đó cần phải có sự tuân thủ lệnh ngừng bắn, rút các thiết bị vũ khí hạng nặng, trả tự do cho các con tin, sự tham gia giám sát tích cực của OSCE, sự phục hồi quyền kiểm soát Ukraine trên biên giới với Nga”.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khằng định: “Tôi sẽ không bỏ cuộc, tôi sẽ chiến đấu và làm tất cả mọi thứ có thể để đảm bảo mỗi tấc đất Ukraine, giải phóng Crimea, Donbass cũng như các vùng lãnh thổ khác của Ukraine đang bị nước ngoài chiếm đóng”.
Tuyên bố của người đứng đầu nhà nước Ukraine đưa ra trong bối cảnh Quốc hội nước này vừa thông qua Hiến pháp sửa đổi theo đề nghị của Tổng thống Petro Poroshenko. Hiến pháp trao quyền tự trị lớn hơn cho các vùng lãnh thổ ở miền Đông nước này hiện do lực lượng ly khai kiểm soát.
Dự thảo được thông qua trong bối cảnh hàng ngàn người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát ở bên ngoài tòa nhà Quốc hội nhằm phản đối dự thảo Hiến pháp.
Các nguồn tin cho biết, một binh sĩ Ukraine thiệt mạng, hơn 100 người khác bị thương trong cuộc đụng độ kéo dài bên ngoài tòa nhà Quốc hội và các tuyến đường dẫn tới Quốc hội ở thủ đô Kiev.
Bán đảo Crimea và thành phố Sevastopol đã sáp nhập vào Nga trong đầu tháng 3/2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý.
Nga nhấn mạnh rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là hợp pháp, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, Mỹ, Liên minh châu Âu và Ukraine không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu, còn Ukraine vẫn coi Crimea là phần lãnh thổ bị chiếm đóng.