"Philippines cũng như cộng đồng quốc tế đề nghị Trung Quốc tôn trọng phán quyết sắp tới của tòa án trọng tài và cùng thúc đẩy một chế độ dựa trên luật lệ quốc tế”, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói trong một tuyên bố đưa ra tại Manila. “Nếu Trung Quốc không lưu ý đến lời kêu gọi chung này, có phải Trung Quốc đang đặt mình cao hơn luật pháp?”, Reuters dẫn lời ông Rosario.
Dự kiến, tòa án trọng tài quốc tế có trụ sở tại La Hay (Hà Lan) trước tháng 5 đưa ra phán quyết về vụ kiện do Philippines đệ đơn. Ông Rosario nói rằng, Manila và Bắc Kinh đã gặp nhau nhiều lần để bàn về tranh chấp trên biển nhưng không giải quyết được gì. Ngày 29/2, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhắc lại quan điểm của nước này rằng Trung Quốc không tham gia vào vụ kiện, Xinhua đưa tin. Trong chuyến thăm Mỹ tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cáo buộc Philippines “khiêu khích chính trị” khi đưa tranh chấp ra tòa.
Nhật sẽ chuyển giao công nghệ quốc phòng cho Philippines
Hôm qua, Nhật Bản ký thỏa thuận cung cấp thiết bị và công nghệ quốc phòng cho Philippines. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản ký một thỏa thuận như vậy ở khu vực mà các đồng minh của Mỹ đang cảm thấy báo động trước những bước đi hung hăng của Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói rằng, thỏa thuận mà ông ký với Đại sứ Nhật Bản Kazuhide Ishikawa tại Manila hôm 29/2 cho thấy “khát vọng chung của các nước châu Á trong việc thúc đẩy năng lực quốc phòng cho nhau” và “đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực”. Ông Gazmin nói rằng, thỏa thuận này sẽ là khuôn khổ để chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng. Trước mắt, Nhật Bản sẽ cung cấp một máy bay giám sát cho Philippines.
Trong khi đó, tân chỉ huy của Bộ tư lệnh miền nam Trung Quốc (vừa được thành lập), tướng Wang Jiaocheng, hôm 28/2 tuyên bố quân đội nước này cảnh giác cao với bất kỳ mối đe dọa an ninh nào trên các vùng biển tranh chấp, và đã có kế hoạch cho mọi tình huống có thể xảy ra đe dọa an ninh trong khu vực. “Quân đội sẽ đủ khả năng đối phó bất kỳ mối đe dọa an ninh nào. Không nước nào được phép sử dụng bất kỳ lý do hay hành động nào để đe dọa an toàn và chủ quyền của Trung Quốc”, báo Trung Quốc People’s Daily dẫn lời ông Wang.
Từng là chỉ huy quân khu Thẩm Dương, tướng Wang nói rằng, mục tiêu của ông là “bảo đảm an ninh ở biên giới và bảo vệ biển”, nhưng “nhiệm vụ lớn nhất là bảo đảm quyền và lợi ích trên biển Đông”. Những phát biểu này được đăng tải chỉ vài ngày sau khi Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, lên án Trung Quốc quân sự hóa trên biển Đông.
Phải tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý
Với tư cách nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, Singapore sẽ làm việc với tất cả các bên liên quan để thúc đẩy mối quan hệ song phương phát triển tích cực, trong đó có việc “quản lý một cách hợp lý” các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tuyên bố ngày 29/2. “Cả ASEAN và Trung Quốc có lợi ích chiến lược trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực”, ông nói.
Trước đó, Ngoại trưởng Singapore tuyên bố: “Tất cả các nước ASEAN đã và đang khuyến khích việc nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế để có được giải pháp hòa bình cho các xung đột hoặc khác biệt theo cách tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý”. Ông nói tiếp: “Một lĩnh vực mà chúng tôi tập trung vào là đưa ra Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Hy vọng, những bước đi này sẽ làm giảm căng thẳng và ngăn chặn sự cố… trên biển”.
Thái An (theo CNA, China’s Daily)