Đầu năm 1979, trở về Bắc Kinh sau chuyến thăm Mỹ, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”. Ngay lập tức, ông ta phát lệnh xua 60 vạn quân tiến vào... các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.
Chỉ trong vòng 1 tháng, Đặng Tiểu Bình và những kẻ bành trướng Bắc Kinh đã hiểu và thấm thía thế nào là “dạy cho Việt Nam một bài học”. Dù dùng chiến thuật “biển người” và “nướng quân” không thương tiếc, nhưng Trung Quốc vẫn không đạt được mục đích gì và đành phải ngậm ngùi rút quân khỏi Việt Nam trong nỗi hổ thẹn.
37 năm sau, đúng dịp kỷ niệm Chiến tranh biên giới 1979, báo chí Trung Quốc lại hung hăng và hống hách kêu gọi “dạy cho Mỹ một bài học” như những gì họ đã từng tuyên bố với Việt Nam.
Chẳng là, trong một bài viết đăng trên một trang mạng xã hội của tờ People’s Daily, ấn bản hải ngoại của Nhân dân nhật báo, hôm 19-2-2016, tờ báo cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố, Trung Quốc cần phải có những hành động cứng rắn để “dạy cho Mỹ một bài học”.
Nhân dân nhật báo viết rằng, quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam, bị Trung Quốc dùng thủ đoạn và vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1974) là chiến tuyến tối hậu của Trung Quốc trong việc bảo vệ khu vực Biển Đông, do đó “Trung Quốc phải tỏ rõ lập trường của mình đối với khu vực này bằng những hành động cứng rắn chống lại bất kỳ một cuộc xâm nhập nào”.
Tờ báo gợi ý, một số “hành động cứng rắn” quân đội Trung Quốc có thể thực hiện bao gồm việc “áp tải tàu ngoại quốc ra khỏi khu vực”, thậm chí trong trường hợp xấu nhất, sẵn sàng cho tàu Trung Quốc đâm vào tàu Mỹ, nhằm “dạy cho Mỹ một bài học”.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng dùng phiên bản phổ thông đại chúng của tờ Nhân dân nhật báo là tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) để hù dọa Washington.
Trong một bài xã luận công bố hôm 18-2, tờ báo nổi tiếng với những luận điệu “diều hâu” hiếu chiến này cho rằng, Trung Quốc cần tăng cường năng lực “tự vệ ” của mình ở Biển Đông để đối phó với các “hành động khiêu khích càng lúc càng thường xuyên hơn từ phía quân đội Mỹ”.
Tờ báo ngang ngược “tự đắc” rằng, việc triển khai tên lửa tại Hoàng Sa sẽ khiến “phi cơ chiến đấu của Mỹ hay của nước nào khác cảm thấy bất an khi thực hiện các chuyến bay khiêu khích trong khu vực”.
Chiến tranh giữa các quốc gia không xảy ra với lý do đơn giản là từ những lời thách thức, khiêu khích trên mặt báo, kể cả khi đó là cơ quan ngôn luận của đảng cầm quyền, nhưng rõ ràng, sự thách thức ngày một quá quắt của Trung Quốc đang đặt Mỹ vào thế cực kỳ khó xử. Tuy nhiên, chính thái độ của Washington trong vụ Bắc Kinh triển khai tên lửa ở đảo Phú Lâm cũng khiến người ta phải đặt nhiều câu hỏi nghi ngại.
Trước tiên, thông tin về các dàn tên lửa của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm được đưa ra đúng vào ngày Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tiếp các lãnh đạo Đông Nam Á họp thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ở Sunnylands, California.
Ảnh vệ tinh ISI cho thấy Trung Quốc đã triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Biển Đông là chủ đề thảo luận chính tại thượng đỉnh, nhưng bản tuyên bố chung đưa ra sau đó không nêu đích danh Trung Quốc, mà chỉ kêu gọi bảo đảm tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp chủ quyền một cách hòa bình.
Ban đầu, Bắc Kinh còn mập mờ không phủ nhận, cũng chẳng thừa nhận việc làm đó, sau thì ngang ngược khẳng định đã triển khai tên lửa ở đảo Phú Lâm “từ nhiều năm nay”.
Trong khi đó, Mỹ chỉ có thể lên tiếng quan ngại và trách Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không giữ lời hứa không quân sự hóa vùng Biển Đông khi đến thăm Nhà Trắng vào tháng 9-2015. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết là chính quyền Obama sẽ có một cuộc nói chuyện rất “nghiêm khắc” với phía Trung Quốc về việc nước này gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông.
Không bàn đến chuyện ông Tập đã nói, đã hứa cụ thể gì với Mỹ, nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu thật sự Trung Quốc đã triển khai vũ khí ở Hoàng Sa từ “nhiều năm qua” thì vì sao Mỹ không hề hay biết hoặc nếu biết vì sao không lên tiếng?
Ngay cả nếu Bắc Kinh chỉ mới đặt các dàn tên lửa trên đảo Phú Lâm gần đây thì lẽ nào tình báo Mỹ lại không biết, để đến khi truyền hình Mỹ tiết lộ các ảnh vệ tinh, Ngoại trưởng Kerry mới có phản ứng?
Câu chuyện này xem ra cũng chẳng khác gì việc Mỹ thừa biết việc Trung Quốc bồi đắp, xây đảo nhân tạo ở Trường Sa đã có từ năm 2012, nhưng phải đến năm 2014 mới lên tiếng và năm 2015 mới thực hiện chương trình tự do hàng hải thách thức Trung Quốc - như tiết lộ của Thượng nghị sĩ John McCain hồi năm ngoái.
Trên báo chí quốc tế, Giáo sư Carl Thayer, học giả nổi tiếng chuyên nghiên cứu Biển Đông và khu vực nhận định: “Trung Quốc hiện kiểm soát được ở Biển Đông tới mức mà nước này có thể “bắt nạt” được Việt Nam, Philippines và có thể thách thức trực tiếp Malaysia, thậm chí xâm nhập vào vùng biển của Indonesia, điều mà hiện Trung Quốc chọn cách không làm quá thường xuyên, dù đã làm trước đó”.
Vị học giả này cho rằng, “sự kiểm soát của Trung Quốc không ảnh hưởng đến những tàu vận chuyển thương mại, nhưng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu chiến và máy bay của những nước mà Trung Quốc không muốn thấy ở Biển Đông, chẳng hạn như Mỹ”.
Có lẽ đã đến lúc Mỹ càng ngày càng cảm thấy sức “nóng” của “mối đe dọa Trung Quốc” ở Biển Đông và khu vực, đến mức không thể không lên án mạnh mẽ. Tuy nhiên, Washington vẫn có vẻ tránh chỉ trích quá nặng vì không muốn xảy ra khủng hoảng quan hệ Mỹ - Trung trong lúc này.
Mặt khác, theo Giáo sư Carl Thayer, “Mỹ rất lớn tiếng và về tự do hàng hải nhưng đây chỉ là vấn đề quan trọng mà không phải là vấn đề chính… Hiện tại Mỹ đang trong thời gian chuyển giao lãnh đạo và Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội này.
Vấn đề ở Trung Đông cũng thu hút sự chú ý của Mỹ ra khỏi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng vấn đề là liệu Mỹ có muốn tham gia vào một xung đột khiến làm xấu đi quan hệ của Mỹ với Trung Quốc liên quan đến đảo và bãi đá của những bên khác hay không.
Dù Philippines là đồng minh của Mỹ, nhưng Mỹ đã để Trung Quốc chiếm bãi Scarborough, ngăn chặn đường tiếp liệu của Philippines tới Bãi Cỏ Mây. Mỹ đã không có hành động hiệu quả vì không có phản ứng kịp thời.
Đáng ra Mỹ đã phải có hành động từ khoảng 18 hay 20 tháng trước, khi Trung Quốc bắt đầu những hoạt động nạo vét và xây dựng. Khó có thể nói là tình báo Mỹ không biết điều gì đang xảy ra và họ không hiểu được những ảnh hưởng thực sự của những hoạt động này”.
Chính thái độ “nửa nạc, nửa mỡ”, không dứt khoát như vậy của Mỹ là một nguyên nhân khiến Trung Quốc có thể ngông cuồng khiêu khích như vậy được, mặc dù chuyên gia Carl Thayer nhận định, vào lúc này Bắc Kinh vẫn chưa thể thách thức được sức mạnh của Mỹ ở khu vực Biển Đông, nhất là khi hiệp ước quốc phòng tăng cường giữa Mỹ và Philippines được Tòa án tối cao Philippines xác định là hợp hiến.
Theo vị giáo sư người Australia, điều này sẽ dẫn đến việc gia tăng sự có mặt của máy bay, tàu chiến và các lực lượng hỗ trợ của Mỹ khác trong khu vực và Mỹ có thể có đáp ứng nhanh hơn nhiều từ những căn cứ an toàn hơn nhiều so với những cơ sở mà Trung Quốc hiện có ở Trường Sa.
Vấn đề là Mỹ đừng để mọi chuyện đi quá xa rồi mới hành động.