Quân đội Mỹ đang điều tra trách nhiệm trong vụ thử nghiệm thất bại, nhưng các nhà phân tích trên tạp chí National Defense cho rằng, sự cố này không phải lỗi gì lớn trong chương trình vũ khí siêu thanh của Mỹ.
Chuyên viên cao cấp Rick Fisher của Trung tâm đánh giá chiến lược quốc tế cho rằng: “Đó chỉ là một sự cố kỹ thuật nhỏ. Các vũ khí đã vận hành xuất sắc”.
Thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, vụ thử thất bại vũ khí siêu thanh tiên tiến do lỗi bất thường chưa xác định. Phát ngôn viên Lầu Năm góc Maureen Schumann tiết lộ, bộ phận thử nghiệm đã quyết định phá hủy rocket phóng chỉ sau vài giây được phóng đi từ Tổ hợp phóng Kodiak, Alaska.
Vũ khí siêu thanh tiên tiến chỉ là một trong các công nghệ đang được phát triển trong chương trình CPGS. Mục tiêu là thực hiện các dạng tấn công chính xác có thể tấn công bất cứ đâu trên thế giới trong thời gian một giờ đồng hồ.
Vụ thử trong tháng 8 này là lần thứ hai của vũ khí siêu thanh tiên tiến. “Mục tiêu là phát triển và chứng minh các công nghệ tăng tốc siêu âm và thu thập dữ liệu bay, thử tầm bay xa”.
Tuy vậy, trong tháng 8 này, Mỹ không phải nước duy nhất đang thử nghiệm các vũ khí siêu tốc. Theo các quan chức Mỹ giấu tên trên tờ Washington Free Beacon, Trung Quốc cũng đã thực hiện bay thử lần hai máy bay siêu thanh tên Wu-14 vào ngày 07/8.
Đầu năm nay, Lầu Năm góc xác nhận vụ bay thử thứ nhất của Wu-14 diễn ra trong tháng 1. Chuyên viên Rick Fisher nhận định, dựa trên bằng chứng có sẵn, gồm các báo cáo của Trung Quốc trên Internet, có thể đã có một vụ thử Wu-14 thứ hai.
“Trung Quốc và Mỹ đang tìm cách phát triển cùng một dòng vũ khí siêu thanh, và các máy bay siêu thanh”.
Chương trình của Mỹ dường đã tiến xa hơn, “nhưng chương trình của Trung Quốc được hỗ trợ tài chính mạnh hơn và có nhiều nguồn lực phát triển hơn”.
Mark Gunzinger, chuyên viên cao cấp của Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách Mỹ cho biết ông nghi rằng, sự phát triển vũ khí siêu thanh của Trung Quốc đã trưởng thành hơn Mỹ.
Ông cho rằng, vũ khí siêu thanh có thể được đưa vào hoạt động trong một thập niên tới. Thách thức về ngân sách eo hẹp sẽ khiến Mỹ phải tìm cách hạ giá thành sản xuất.
Theo chuyên viên Rick Fisher, một trong những lý do khiến vũ khí siêu thanh được thèm muốn là bởi chúng khó có thể bị bắn hạ. Vũ khí năng lượng điều khiển, như lazer hay súng điện từ có thể giúp chống lại các tên lửa siêu thanh.
Vũ khí siêu thanh “có đối” không?
“Nếu bạn có 2 hay 4 khẩu súng điện từ, bạn có thể cảnh báo 2 phút rằng đầu đạn siêu thanh đang bay tới, thời gian này đủ để súng điện từ bắn hạ mục tiêu trên không trung”.
“Chúng sẽ phóng ra 100 - 200 đạn vôn-fram. Thậm chí, đầu một viên đạn vôn-fram cũng có thể khiến đầu đạn đối phương mất kiểm soát.”
Mỹ dường như đã tiến xa hơn so với Trung Quốc trong nỗ lực phát triển vũ khí năng lượng điều khiển, mặc dù chương trình của Trung Quốc chưa được minh bạch.
Fisher nhận định, vũ khí lazer hiện còn thiếu uy lực và tầm phóng cần thiết để có thể phá hủy phương tiện bay siêu thanh, nhưng trong một thập kỷ tới nó có đủ sức mạnh để bắn hạ các vũ khí loại này. Tốc độ siêu thanh sẽ giúp súng điện từ có thể băn hạ vũ khí siêu thanh vào đầu những năm 2020.
Gunzinger cho rằng, khó có thể bắn chặn tên lửa siêu thanh bằng nguồn lazer cực mạnh, nhưng súng điện từ có vẻ đủ sức cho sứ mệnh này.
Tên lửa siêu thanh tiên tiến được phát triển bởi phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Sandia cùng Lục quân Mỹ. Nó được thử nghiệm lần đầu vào tháng 11/2011 và đã thành công, với kết quả tên lửa bay từ Hawaii và bắn hạ mục tiêu ở bãi thử Reagan, Kwajalein Atoll, Cộng hòa Marshall (Bắc Thái Bình Dương).