Mỹ chi 70 triệu USD chế tạo tên lửa siêu thanh

Đồ họa của loại tàu lượn siêu thanh Falcon HTV-2 đang được quân đội Mỹ nghiên cứu chế tạo - Ảnh: Cơ quan nghiên cứu dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Mỹ
Đồ họa của loại tàu lượn siêu thanh Falcon HTV-2 đang được quân đội Mỹ nghiên cứu chế tạo - Ảnh: Cơ quan nghiên cứu dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Mỹ
Quốc hội Mỹ đã thông qua ngân sách chi cho chương trình phát triển tên lửa siêu thanh, đồng thời bày tỏ lo ngại về lần thử nghiệm thiết bị đẩy siêu thanh mang tên lửa hạt nhân của Trung Quốc hồi đầu năm 2014.

Quốc hội Mỹ đã phê duyệt khoản ngân sách trị giá 70,7 triệu USD để quân đội chế tạo tên lửa siêu thanh, vốn là một phần trong chương trình “Đòn tấn công chớp nhoáng” của Lầu Năm Góc, hãng tin Fox News cho biết hôm 30.5.

“Đòn tấn công chớp nhoáng” là một dự án phát triển vũ khí chiến lược đầy tham vọng của Mỹ nhằm mục đích chế tạo các loại vũ khí siêu tốc có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở bất kỳ nơi nào trên thế giới chỉ trong vòng 30 phút.

Một báo cáo về đề xuất ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2015 của Hạ viện Mỹ đã công bố chi tiết về chương trình phát triển vũ khí siêu thanh nói trên, đồng thời cũng chỉ ra rằng Lầu Năm Góc đã chi quá ít cho việc chế tạo vũ khí siêu thanh trong bối cảnh Trung Quốc đã thử nghiệm thành công thiết bị siêu thanh mang tên lửa hạt nhân.

Washington coi các dự án siêu thanh là mục tiêu hàng đầu và đã chi ra 200 triệu USD trong năm tài khóa 2013 cho 3 chương trình thuộc dự án này, cũng như đã tiến hành một số chuyến bay thử nghiệm thiết bị siêu thanh, theo AFP.

Trung Quốc lần đầu tiên bay thử nghiệm thành công một thiết bị đẩy mang tên lửa siêu thanh có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân vào ngày 9.1.2014.

Chuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc với thiết bị mang tên lửa siêu thanh có tên gọi là WU-14, đã bay ở vận tốc Mach 10, tức nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh (hay 12.359 km/giờ), theo trang tin The Washington Free Beacon (Mỹ).

Các chuyên gia quân sự đánh giá đây là loại vũ khí có thể làm thay đổi cục diện vì nó có thể bắn trúng một mục tiêu trước khi các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có trên thế giới kịp phản ứng.

Nga và Ấn Độ cũng được cho là đang nghiên cứu chế tạo loại vũ khí này.

Hồi năm 2010, Mỹ đã thử nghiệm Lockheed HTV-2, một loại khí cụ bay tương tự có khả năng bay với vận tốc lên đến Mach 20.

Đài phát thanh nhà nước Trung Quốc CRI dẫn thông báo từ phòng thông tin của Bộ Quốc phòng nước này cho biết: “Các nghiên cứu và thử nghiệm khoa học nội địa của Trung Quốc hoàn toàn bình thường và không nhằm vào bất kỳ quốc gia hay mục tiêu nào”.

Theo Hoàng Uy

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.