Ông Onodera nhận được tín hiệu “bật đèn xanh” trong buổi cung cấp thông tin cho một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc tại Washington. Đề xuất này được đảng cầm quyền LDP Nhật Bản vạch ra như một trong những cách tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa của nước này.
Ông Onodera cho rằng, việc Nhật Bản thực hiện năng lực tấn công phản đòn sẽ làm tăng đáng kể năng lực răn đe của họ đối với Triều Tiên. “Nhật Bản và Mỹ phải tấn công đáp trả ngay lập tức nếu Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo sang Nhật Bản. Điều này sẽ khiến Triều Tiên lưỡng lự khi tiến hành một cuộc tấn công”, ông Onodera nói.
Phản hồi từ Washington có thể dẫn đến việc chính phủ Nhật chuẩn bị khả năng chính thức thực hiện quyền tấn công tên lửa. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng phản đối Nhật Bản thực hiện điều này vì cho rằng có thể kích động Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn trong bảo đảm an ninh khu vực. Ông Onodera cho rằng, mục tiêu cao hơn của Nhật Bản sẽ là giới thiệu một hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất tiên tiến và các khí tài hiện đại khác.
Sửa hiến pháp để củng cố quốc phòng
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm qua thông báo sẽ thúc đẩy lần sửa đổi hiến pháp đầu tiên từ khi nó được áp dụng và hiến pháp sửa đổi dự kiến có hiệu lực từ năm 2020.
Trong một thông điệp bằng video gửi đi nhân kỷ niệm 70 năm hiến pháp có hiệu lực, Thủ tướng Abe đề xuất hiến pháp sửa đổi phải nói rõ về sự tồn tại của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF). Hiến pháp hiện tại không đề cập gì đến lực lượng này.
“Với việc nói rõ ràng về địa vị của SDF trong Hiến pháp, chúng ta không nên tạo ra khoảng trống để có thể nói rằng SDF là trái hiến pháp”, ông Abe nói trong đoạn phim. Cụ thể, ông Abe đề xuất nói đến SDF trong hiến pháp nhưng không động đến 2 đoạn trong Điều 9, một sự thay đổi gây tranh cãi “đáng phải đưa ra tranh luận công khai”, ông nói.
Đoạn đầu tiên của Điều 9 viết: “Thực lòng khao khát một nền hòa bình quốc tế dựa trên công bằng và trật tự, nhân dân Nhật Bản mãi mãi từ bỏ chiến tranh như một quyền chủ quyền của quốc gia và sự đe dọa hay sử dụng vũ lực làm phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế”. Đoạn ngay sau đó viết: “Để hoàn thành mục tiêu đó, các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không, cũng như những tiềm năng chiến tranh khác sẽ không bao giờ được duy trì. Quyền giao chiến của nhà nước sẽ không được thừa nhận”.
Dù nội dung Điều 9 Hiến pháp quy định rằng, nhân dân Nhật Bản sẽ “mãi mãi từ bỏ chiến tranh” và rằng “các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không cũng như các tiềm năng chiến tranh khác sẽ không bao giờ được duy trì”, nhưng chính phủ Nhật Bản cho rằng Hiến pháp không cấm nước này duy trì năng lực tự vệ, và vì thế Nhật Bản có quyền có lực lượng quốc phòng.
Sửa đổi Điều 9 vẫn là chủ đề gây chia rẽ trong dư luận Nhật Bản. Một cuộc khảo sát gần đây do hãng thông tấn Kyodo thực hiện cho thấy, tỷ lệ người dân ủng hộ sửa đổi là 49%, trong khi tỷ lệ phản đối là 47%, phản ánh mối lo ngại trước sức mạnh quân sự của Triều Tiên và Trung Quốc.
Có 60% người được hỏi cho rằng, cần sửa đổi hiến pháp nói chung trong tương lai, còn số người ủng hộ giữ nguyên là 37%. Hiến pháp hiện tại chưa từng được sửa đổi kể từ khi có hiệu lực năm 1947, và cũng chưa từng được bàn về khả năng sửa đổi, một phần do quá trình này rất khó khăn vì cần phải được quốc hội thông qua trước khi tiến hành trưng cầu ý dân. Khả năng sửa đổi hiến pháp trở nên thực tế hơn khi đảng LDP của Thủ tướng Abe đang chiếm đa số trong quốc hội và được giới làm luật ủng hộ.
Đề xuất của Thủ tướng Abe về việc sửa đổi Hiến pháp được đưa ra trong lúc một tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản tham gia tháp tùng một tàu của Hải quân Mỹ. Tàu Sazanami cùng tàu Izumo của Nhật Bản tham gia cùng tàu Mỹ sau khi rời căn cứ ở tỉnh Hirshima hôm 2/5. Sứ mệnh hộ tống dự kiến kết thúc ngày 3/5. Sau đó, 2 tàu của Nhật dự kiến tham gia một sự kiện ở Singapore vào ngày 15/5.
Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản thăm Việt Nam
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori sẽ sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4 tới 6/5. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Oshima sẽ có các cuộc làm việc với lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường, thúc đẩy hợp tác giáo dục, kinh tế, và dự kiến tham gia một số số hoạt động khác, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam hôm qua cho biết.