Lãnh đạo Mỹ - Úc mâu thuẫn vì người tị nạn

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull
TP - Cuộc điện đàm với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull diễn ra cuối tuần qua về thỏa thuận liên quan người tị nạn được báo Washington Post mô tả là “tồi tệ nhất từ trước đến nay” trong số những cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ Donald Trump với các lãnh đạo thế giới, đến mức ông phải cắt ngắn thời gian nói chuyện từ dự kiến 1 giờ xuống còn 25 phút. Ông Trump sau đó viết trên Twitter rằng, ông sẽ “nghiên cứu thỏa thuận ngớ ngẩn này”.

Theo thỏa thuận giữa Úc với Mỹ dưới thời chính quyền Barack Obama, Mỹ sẽ tiếp nhận 1.250 người xin tị nạn ở Úc sang Mỹ tái định cư. Úc từ chối chấp nhận những người này, trong đó chủ yếu là đàn ông từ Iran, Afghanistan và Iran, nên đã giữ họ trong các trung tâm xa bờ trên những quốc đảo Thái Bình Dương như Nauru, Papua New Guinea… Thủ tướng Turnbull muốn xác nhận lại về tương lai của thỏa thuận giữa hai nước sau khi ông Trump ký sắc lệnh tạm cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với người tị nạn và công dân từ 7 nước Hồi giáo. Ông Turnbull muốn ông Trump bảo đảm thỏa thuận giữa hai nước sẽ được tôn trọng. Còn ông Trump nói rằng, chấp nhận người tị nạn sẽ như việc Mỹ chấp nhận “những kẻ đánh bom Boston tiếp theo”.

Đầu tuần này, Thủ tướng Turnbull cảm ơn Tổng thống Trump vì ông đã đồng ý giữ nguyên thỏa thuận. Sau đó, phát ngôn viên của Tổng thống Mỹ nói rằng, ông Trump định duy trì thỏa thuận. Nhưng đoạn tweet của ông Trump lại gây nghi ngờ. Thủ tướng Turnbull sau đó nói rằng, ông thất vọng vì chi tiết cuộc điện đàm “rất thẳng thắn và trực diện” đã bị công bố. Ông nói với Đài phát thanh Úc rằng “bài báo về việc Tổng thống ngắt máy là không đúng”.

Úc gần đây bị nhiều tổ chức quốc tế chỉ trích về chính sách giữ người tị nạn xa bờ và muốn đóng cửa trại trên đảo Manus. Những người bị giữ trên đảo Manus đều là đàn ông, đến từ Iran, Afghanistan, Iran, Bangladesh, Pakistan và Myanmar. Trung tâm trên đảo Nauru giữ cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em, đến từ Iran, Sri Lanka và những người không quốc tịch. Nhiều người đã phải ở trên đảo nhiều năm.

Theo Theo BBC
MỚI - NÓNG