Chiến sự bùng nổ ở khu vực máy bay Malaysia bị bắn rơi

Chiến sự lại bùng nổ khi hiện trường vụ máy bay bị bắn rơi chưa được điều tra xong. Ảnh: Itar-Tass
Chiến sự lại bùng nổ khi hiện trường vụ máy bay bị bắn rơi chưa được điều tra xong. Ảnh: Itar-Tass
TP - Quân đội Ukraine hôm qua tấn công căn cứ của lực lượng nổi dậy ở Donetsk, mở ra đợt chiến sự lớn đầu tiên ở khu vực máy bay Malaysia MH17 chở 298 người bị bắn hạ tuần trước. Ukraine thông báo, 272 thi thể nạn nhân đã được tìm thấy.

Thủ lĩnh Sergei Kavtaradze của lực lượng nổi dậy nói rằng, ít nhất 4 xe tăng và xe bọc thép của quân chính phủ Ukraine cố gắng tìm cách thọc sâu vào Donetsk. Phát ngôn viên của quân đội Ukraine thông báo, chiến dịch đang tiếp diễn nhưng từ chối bình luận về lực lượng tấn công Donetsk, Reuters đưa tin. 

Giao tranh giữa hai bên với sự tham gia của vũ khí hạng nặng diễn ra gần sân bay và nhà ga, BBC dẫn lời các nhân chứng. Ít nhất 3 dân thường thiệt mạng, 1 tòa nhà cao tầng bốc cháy, nhiều người dân Donetsk đang đi sơ tán. Giao tranh ở miền đông Ukraine bùng phát hồi tháng 4, tính đến nay cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người, BBC đưa tin.

Hãng tin Interfax Ukraine dẫn lời Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 21/7 nói với báo giới: “Tôi đã ra lệnh cho binh sĩ ngay lập tức không được thực hiện các chiến dịch, không được nổ súng bên trong bán kính 40 km khu vực máy bay rơi”. 

Trước đó, ông Poroshenko điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, nói rằng, cần phải cắt đứt nguồn cung cấp khí tài quân sự cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.

Ngày 21/7, những điều tra viên quốc tế đầu tiên đã đến khu vực miền đông Ukraine hiện do quân nổi dậy kiểm soát. Ba chuyên gia nhận dạng nạn nhân từ Hà Lan đã đến Donetsk. Quân nổi dậy đã cho phép các chuyên gia Hà Lan xem xét các thi thể nạn nhân vụ MH17 đang được lưu giữ trong các toa xe lạnh tại nhà ga xe lửa Torez.

Tranh cãi về nguồn gốc tên lửa

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua nói rằng, có bằng chứng chứng tỏ Nga “đồng lõa” trong vụ bắn hạ máy bay MH17. Ông Kerry yêu cầu Mátxcơva chịu trách nhiệm vì những hành động của lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraine mà Washington cáo buộc đã bắn chiếc Boeing chở khách bằng tên lửa. 

“Những phần tử ly khai say xỉn đang chất đống các thi thể lên xe tải và đưa khỏi hiện trường. Điều đang diễn ra thực sự kỳ quái”, ông Kerry nói trên kênh truyền hình NBC.

Ông Kerry nói rằng, Mỹ đã phát hiện một số thiết bị quân sự được chuyển từ Nga sang Ukraine vào tháng trước, trong đó có xe bọc thép, xe tăng và bệ phóng tên lửa.

Washington nói rằng, họ ghi được cuộc nói chuyện về việc chuyển giao cho quân nổi dậy hệ thống tên lửa SA-11 Buk của Nga mà Mỹ cho rằng đã bị sử dụng để bắn hạ máy bay Malaysia. 

“Khá rõ ràng là hệ thống này đã được chuyển từ Nga”, ông Kerry nói trong cuộc phỏng vấn với CNN. Tuy nhiên, kênh truyền hình Nga Dozhd TV đưa tin, phía Ukraine ghi được cảnh một xe chở tên lửa Buk đang chạy về phía biên giới Nga không lâu sau khi MH17 rơi. Con số in trên xe cho thấy nó nằm trong trang bị của quân đội Ukraine. 

Hôm qua, Reuters dẫn lời Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk nói với báo giới: “Hiện tại, chúng tôi chắc rằng, máy bay đã bị bắn hạ, rất có thể là bằng một tên lửa Buk-M1 thuộc hệ thống lên lửa dẫn đường bằng radar SA-11, hệ thống do những kẻ chuyên nghiệp điều khiển”.

Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt nhiều cá nhân và doanh nghiệp Nga. Ông Kerry nói rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể trừng phạt thêm, nhưng loại trừ khả năng Mỹ đưa quân đội đến miền đông Ukraine. 

Theo kế hoạch, ngày 21/7, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu về bản nghị quyết lên án vụ bắn rơi máy bay MH17 và yêu cầu những người gây ra vụ việc phải chịu trách nhiệm, cũng như các nhóm vũ trang phải bảo đảm hiện trường nguyên vẹn. 

Theo Văn phòng Thủ tướng Anh David Cameron, các bộ trưởng của Liên minh châu Âu (EU) sẽ thông báo một loạt biện pháp trừng phạt mới tại cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại EU trong tuần này. Ông Cameron tuyên bố sẽ phong tỏa tài sản của các tỷ phú Nga.

Gia đình các nạn nhân người Anh cho rằng, thi thể những người thân của bọ bị đối xử một cách “khủng khiếp”, và lo sợ những tay súng nổi dậy ở miền đông Ukraine có thể giữ thi thể lại làm “công cụ mặc cả”, báo Anh The Telegaph đưa tin.

Nga: Không nên lợi dụng vụ tai nạn cho mục đích chính trị

Nhiều kênh truyền hình chiếu hình ảnh tại địa điểm xảy ra vụ tai nạn: các bộ phận cơ thể của các nạn nhân đang nằm phân hủy trên cánh đồng, bên cạnh đồ đạc cá nhân của họ… 

Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans nói rằng, cả nước ông đang giận dữ sau khi nghe tin thi thể các nạn nhân bị kéo lê, trong khi người thân của họ yêu cầu phải nhanh chóng đưa thi thể về nhà. 

Tính đến tối qua, 272 thi thể và 66 mảnh thi thể đã được tìm thấy. Những thi thể này được chất lên các toa xe lửa được giữ lạnh khởi hành từ ga Torez. Úc tuyên bố quốc tang trong 2 tuần tới để tưởng niệm các nạn nhân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua nói rằng, không nên lợi dụng vụ tai nạn máy bay Malaysia cho các mục đích chính trị. 

“Tôi có thể nói chắc chắn rằng, nếu các hành động quân sự ở miền đông Ukraine không bị khôi phục từ hôm 28/6, thảm họa này đã không xảy ra. Vì thế, không ai nên hoặc có quyền lợi dụng thảm họa này để đạt mục đích chính trị của họ. Những vụ việc như vậy đòi hỏi mọi người đoàn kết lại chứ không phải chia rẽ”, ông Putin nói trên kênh truyền hình Rossiya 24.

Lãnh đạo Nga nói rằng, những người phải chịu trách nhiệm về tình hình ở miền đông Ukraine cần tăng cường trách nhiệm của chính họ trước người dân nước họ và người dân những nước có người mất mạng trong thảm kịch lần này. 

“Về phần mình, Nga đang làm mọi việc có thể để cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bước từ giai đoạn quân sự hiện nay sang giai đoạn thảo luận trên bàn đàm phán thông qua các biện pháp ngoại giao và hòa bình”, ông Putin nói. 

Ông đồng thời kêu gọi cuộc điều tra vụ rơi máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines cần được tiến hành dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).

Hôm qua, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk nói: “Ukraine sẵn sàng chuyển giao vai trò điều phối trong cuộc điều tra vụ máy bay rơi cho các đối tác phương Tây. Hà Lan có thể đứng đầu hoạt động này”. 

Trong khi đó, phái viên Nga tại Liên Hợp Quốc, ông Vitaly Churkin, nói rằng, Nga sẽ ủng hộ Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết về vụ máy bay MH17 nếu nghị quyết đó kêu gọi điều tra vụ tai nạn một cách không thiên vị. 

“Chúng tôi đã làm việc chủ động với phái đoàn Úc. Hội đồng Bảo an cũng đã ra thông cáo báo chí hôm 18/7, nói rằng phải tiến hành một cuộc điều tra quốc tế công bằng. Đó là điều chúng tôi chờ đợi ở bản nghị quyết, nếu không thiên vị, tất nhiên chúng tôi sẽ ủng hộ”, Ria-Novosti dẫn lời ông Churkin.

Đại diện Nga xác nhận Nga cũng đã trình một bản dự thảo nghị quyết về vụ tai nạn máy bay lên Hội đồng Bảo an LHQ. So sánh với bản dự thảo do Úc trình lên, ông Churkin nói: “Sự khác biệt là bản dự thảo của chúng tôi nói rất rõ ràng về một cuộc điều tra quốc tế không thiên vị do ICAO dẫn đầu”.

Ông Alexander Borodai, lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Donetsk tự phong, nói rằng, những người ủng hộ độc lập phát hiện các vật thể giống thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay và đã đưa về Donetsk. Họ dự định chuyển các thiết bị này cho chuyên gia của ICAO, chứ không giao cho Kiev vì sợ kết quả điều tra có thể bị làm sai lệch, hãng tin Nga Ria-Novosti đưa tin.

MỚI - NÓNG