Rừng phòng hộ Phước Sơn liên tiếp bị xâm hại

0:00 / 0:00
0:00
Hiện trường vụ cháy rừng ở tiểu khu 689 xã Phước Kim (Phước Sơn, Quảng Nam) hồi tháng 5/2021 đang được công an huyện điều tra. Ảnh: N.D
Hiện trường vụ cháy rừng ở tiểu khu 689 xã Phước Kim (Phước Sơn, Quảng Nam) hồi tháng 5/2021 đang được công an huyện điều tra. Ảnh: N.D
TP - Thời gian qua, rừng phòng hộ ở xã Phước Kim, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) liên tiếp bị xâm hại. Chuyện quản lý, bảo vệ rừng ở huyện miền núi liên tiếp xảy ra sạt lở đang rung lên những hồi chuông cảnh báo.

Đốt thực bì để trồng rừng, đốt luôn rừng tự nhiên

Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn cho biết, đã chuyển hồ sơ vụ cháy rừng xảy ra tại khoảnh 3, 4, 5 tiểu khu 689 (thuộc địa phận xã Phước Kim, Phước Sơn) xảy ra vào tháng 5/2021 cho cơ quan cảnh sát điều tra (Công an huyện Phước Sơn) xử lý .

Trước đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn đã ký hợp đồng với đơn vị thi công là Công ty TNHH Tuấn Zin xử lý thực bì (phát quang, thu dọn các loại cỏ, cây, dây leo, chặt gọn cành không cần thiết ở trên rừng) toàn bộ diện tích 20 ha của dự án trồng rừng thay thế tại khoảnh 3, 4, 5 tiểu khu 689 (xã Phước Kim, Phước Sơn), trong đó có 0,72 ha rừng tự nhiên. Lúc thực hiện, Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn gửi công văn yêu cầu Ban không xử lý thực bì ở khu vực 0,72 ha cây gỗ trên. Tuy nhiên, đến ngày 8 và 9/5, đơn vị thi công đốt thực bì đã gây cháy toàn bộ diện tích cây gỗ này và lan sang rừng phòng hộ bên cạnh.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, hồ sơ vụ việc đã chuyển cho công an huyện điều tra xử lý từ tháng 8. Đến nay, vẫn chưa có kết quả điều tra cuối cùng.

Chặt phá cây rừng quý hiếm

Trong khi chờ kết quả điều tra vụ cháy rừng, thì mới đây tại khoảnh 8, tiểu khu 688 lâm phận rừng phòng hộ thuộc địa phận xã Phước Kim tiếp tục xảy ra vụ lâm tặc chặt phá cây rừng quý hiếm.

Ông Nguyễn Văn Tình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn cho biết: Đơn vị đang phối hợp với công an huyện để làm rõ một vụ phá rừng có tính chất nghiêm trọng này. Tuy nhiên, cơ quan công an đang điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin cụ thể. Trong khi đó, Thượng tá Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng công an huyện Phước Sơn cũng xác nhận: Công an huyện và Viện kiểm sát nhân dân huyện cùng các đơn vị liên quan đã vào hiện trường vụ phá rừng ở Phước Kim để đo đạc, lập hồ sơ và tiến hành các bước điều tra theo quy định.

Ông A Lăng Ngọc, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn cho biết: Tính chất của vụ phá rừng có thể ở mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự bởi các đối tượng đã chặt hạ một lượng đáng kể gỗ gõ (thuộc nhóm 2A, quý hiếm và bị cấm khai thác ở Việt Nam).

Ông Ngọc thông tin, vụ phá rừng được lực lượng bảo vệ của Ban Quản lý phát hiện vào ngày 20/10, sau đó đã báo cáo nhanh lên huyện Phước Sơn. Theo ghi nhận ban đầu một số lượng cây gỗ gõ đã bị lâm tặc đốn hạ. Đến ngày 2/11, lực lượng liên ngành gồm Công an huyện, Viện kiểm sát cùng cấp, Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng và đại diện xã Phước Kim đã vào khám nghiệm và lập biên bản tại hiện trường.

"Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm"?!

Khi được đặt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn trong việc quản lý, tuần tra, bảo vệ rừng, ông A Lăng Ngọc, giám đốc ban này cho rằng, có những thời điểm mưa gió lớn anh em làm nhiệm vụ không thể đi tuần được, trong khi đối tượng lâm tặc luôn tìm mọi cách để vào rừng. Vụ phá rừng ở Phước Kim vừa phát hiện xảy ra vào thời điểm dịch bùng phát, kèm theo mưa lớn nên rất khó khăn. Lực lượng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn vào kiểm tra phát hiện được các đối tượng nhưng không bắt được.

"Việc tuần tra bảo vệ rừng chúng tôi đã làm hết sức, hết trách nhiệm rồi. Rừng núi bao la mênh mông như thế thì làm sao mà có người đứng ôm cây gỗ, ôm cả khu, ở cả ngày đêm trong rừng được. Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm”, ông Ngọc nói.

Trong khi đó, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết: Thời gian qua, tại các cuộc họp, UBND huyện thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh các ngành, địa phương tăng cường công tác bảo vệ rừng trong các thời điểm mưa lũ, dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, do địa bàn quá rộng, với khoảng 76.000ha rừng tự nhiên, trong khi chỉ có hơn 110 cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng thì không thể đi tuần tra hết được.

MỚI - NÓNG