Ngưỡng chịu đựng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đại dịch COVID-19 không chỉ cướp đi mạng sống của hàng chục ngàn người, mà còn lấy đi rất rất nhiều tiền. Tiền từ ngân sách, tiền của nhân dân.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa cảnh báo nguồn ngân sách dự phòng của chúng ta đã cạn. Là nguồn dự phòng khoảng 2-4% tổng chi ngân sách để sử dụng cho việc phòng chống dịch bệnh, thiên tai hỏa hoạn và những vấn đề phát sinh bất khả kháng của đất nước. Nay buộc phải dồn hầu hết cho công cuộc chống đại dịch COVID-19. Sức chịu đựng của xã hội cũng như nền kinh tế cũng đã tới ngưỡng…

Dồn tổng lực, trong đó có ngân sách để ngăn chặn, đẩy lui đại dịch, giữ từng mạng sống người dân là điều bất cứ quốc gia nào cũng đều phải làm, buộc phải làm. Không thể khác.

Nhưng nắm bắt nhanh tình hình, bám sát thời điểm để kịp xoay chuyển chiến lược phòng chống dịch, hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế, tiền bạc cũng là điều quan trọng không kém. Đòi hỏi sự sáng suốt và bản lĩnh của cả hệ thống chính trị cũng như hệ thống y tế từ trung ương đến từng phường xã. Trên thực tế, điều đó bước đầu được chứng minh tại nhiều địa phương và trên cả nước.

Đó là chiến lược chuyển sang giai đoạn mới sống chung, thích nghi trong điều kiện có SARS-CoV-2. Là phương án giãn cách chống dịch theo phạm vi nhỏ nhất có thể, chứ không khoanh vùng, phong tỏa tràn lan. Không phải cứ phát hiện một F0 thì toàn bộ một cộng đồng bị đóng cửa. Là cần có chính sách huy động mọi nguồn lực y tế, trong đó có tư nhân. Và như đề xuất của các chuyên gia y tế, đó là đến lúc cần xem COVID là một chuyên ngành y khoa mới như những chuyên ngành khác, mà chúng ta đã có đủ điều kiện để thực hiện,…

Jared Diamond, tác giả cuốn "Súng, vi trùng và thép", cho rằng mối nguy hiểm lớn nhất mà loài người đang đối mặt không phải COVID-19, mà chính là biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và bất bình đẳng. Thế nhưng điều đó ít khiến ai quan tâm. Nếu ai đó chết vì suy dinh dưỡng kéo dài, vì lũ lụt hay sóng thần, thì những người sống sót sẽ không nói rằng "Cô ấy chết vì bị nhiễm biến đổi khí hậu sáu ngày trước" như thường nói về bệnh nhân COVID.

Phải chăng loài người chúng ta nhiều lúc quá căng thẳng đối phó với thứ virus quái dị này bằng mọi biện pháp cứng rắn nhất? Mà quên đi nhiều hiểm họa còn đáng sợ hơn, quên đi ngưỡng chịu đựng của cơ thể trái đất. Cũng như biết bao vấn đề xã hội cần kíp phải giải quyết.

Sợ hãi là phản xạ nguyên thủy của con người, giúp họ nhận thức về mối nguy hiểm để có thể tìm cách tự bảo vệ mình. Thông qua hành động chiến đấu chống lại nó hoặc đào thoát khỏi nó một cách khôn ngoan và hữu hiệu nhất. Nhưng thực tế nhiều khi không đơn giản như vậy. Giữa thế giới hiện đại, nỗi sợ của con người lại dày đặc, chất chồng hơn so với tổ tiên của họ giữa rừng sâu. Ngưỡng tâm lý chịu đựng cũng không thể so bằng. Cho dù lý thuyết, rằng nỗi lo sợ luôn tỷ lệ nghịch với những hiểu biết của con người về chúng, là điều hầu như ai cũng biết.

Dẫu sao, sau hai năm khủng hoảng, đến lúc nhận thức về COVID đã đủ để con người bình tĩnh lại.

MỚI - NÓNG