Phải thay đổi tư duy tiếp cận chiến lược năng lượng
Phát biểu khai mạc hội nghị “Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2017: Hiện tại và tương lai”, do Bộ Công Thương phối hợp với Ban kinh tế Trung ương và Viện kinh tế Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong 15 năm trở lại đây, mức tăng trưởng điện năng thương mại đã liên tục tăng cao và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Dự kiến, ít nhất trong 10 năm tới, nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng trên dưới 10%.
Theo ông Vượng, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn như nhu cầu năng lượng tăng cao, trong khi ràng buộc về môi trường ngày càng chặt chẽ và nặng nề hơn. Điều này một mặt gây áp lực cho việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, mặt khác tạo sức ép cho nền kinh tế trong việc huy động đủ nguồn vốn đầu tư cho ngành năng lượng.
“Để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đang chuyển đổi từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng. Nếu như trước đây, Việt Nam từng xuất khẩu năng lượng, điện sang Campuchia, Lào và xuất khẩu than lớn nhưng đến năm 2016 đã nhập khẩu gần 10 triệu tấn than và mua điện từ Trung Quốc với thời điểm cao nhất lên đến 5 tỷ kWh. Hiện sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc có giảm hơn, nhưng cũng đạt trên dưới 1 tỷ kWh/năm. Dự kiến, ta cũng sẽ phải nhập khẩu 17 triệu tấn than, chiếm khoảng 31% nhu cầu than cho phát điện năm 2020 và tăng mạnh hơn vào những năm sau đó”, ông Vượng cho hay.
Tại hội nghị, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong thời gian qua, Việt Nam phát triển công nghiệp hóa một cách “cổ điển”, mô hình tăng trưởng dựa quá lâu vào các ngành khai thác tài nguyên, công nghiệp truyền thống, các ngành công nghệ thấp tiêu tốn năng lượng.
Dẫn chứng việc ngành nông nghiệp không phải ngành tiêu tốn ít năng lượng như mọi người vẫn nghĩ, ông Trần Đình Thiên đưa ra nhiều con số cho thấy những “hệ lụy” mà Việt Nam đang phải đối mặt khi duy trì, phát triển nền nông nghiệp chạy theo sản lượng. “Số liệu cho thấy, lãng phí năng lượng trong công nghiệp ngành xi măng ở mức 50%, gốm sứ 35%, dệt may 30%, thép 20%, nông nghiệp 50%”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay.
Khẳng định việc Việt Nam không thể cạnh tranh với chi phí năng lượng quá cao do sự lãng phí từ phía sử dụng, ông Thiên cho rằng, cần phải thay đổi toàn bộ tư duy và cách tiếp cận chiến lược năng lượng. Bên cạnh sự nỗ lực từ phía nguồn cung điện, thì tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng phải là bắt buộc chứ không chỉ là “cần lựa chọn” như hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương, Ban Kinh tế Trung ương cần đặt Chiến lược Phát triển nhiệt điện than trong tổng thể chiến lược cơ cấu ngành để giải quyết. Nếu còn tách rời khả năng giải quyết một cách thuyết phục sẽ khó khăn.
Nhiều chuyên gia tại diễn đàn cũng cho rằng, trong bối cảnh điện hạt nhân không được triển khai, nhiệt điện than bị phản ứng về vấn đề môi trường còn điện gió, điện mặt trời đang ở mức rất cao, hơn 2.000 đồng/kWh. Sự chênh lệch lớn về giá điện sạch đang là thách thức và Việt Nam sẽ phải đối mặt với bài toán cung – cầu ngày càng tăng. Vì vậy, chiến lược năng lượng cần phải đặt trong chiến lược về công nghệ thì mới giải quyết được sự căng thẳng trong cung-cầu năng lượng. Cùng với đó là ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, hướng tới hệ thống năng lượng sạch.
Cần có yêu cầu nghiêm ngặt cho phát triển nhiệt điện than
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, để phát triển ngành năng lượng hợp lý và hài hòa, khai thác và sử dụng tối ưu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phát triển ngành năng lượng quốc gia chung với ba phân ngành than, điện, dầu khí, giai đoạn 2030 tính đến 2035. Hiện đã xây dựng xong và thời gian tới thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo ông Vượng, nhiệt điện than thời gian qua mặc dù có quan ngại môi trường, nhưng đây là nguồn điện cần thiết phải có để đáp ứng nhu cầu phát triển. Vấn đề là ta không đánh đổi môi trường cho phát triển kinh tế nên phát triển nhiệt điện than thời gian tới có yêu cầu nghiêm ngặt hơn, với nhà máy sử dụng công nghệ siêu giới hạn, nâng cao hiệu suất và chủ đầu tư đáp ứng giải pháp đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, giải pháp sử dụng tro xỉ của nhà máy.
“Có thể 50 năm tới bức tranh năng lượng sẽ khác nhưng trong vòng 20 năm tới nhiệt điện than vẫn là nguồn đáp ứng nhu cầu năng lượng chính”, Thứ trưởng Vượng nói và cho rằng đến năm 2030 việc bù cho chi phí cao của năng lượng tái tạo sẽ là vấn đề rất lớn với kinh tế Việt Nam. Dù chính sách thời gian tới đó là nâng cao tỉ trọng năng lượng tái tạo nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để giá điện của ta có thể được khách hàng chấp nhận được.
“Số liệu cho thấy, lãng phí năng lượng trong công nghiệp ngành xi măng ở mức 50%, gốm sứ 35%, dệt may 30%, thép 20%, nông nghiệp 50%”
PGS-TS Trần Đình Thiên
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Cần khoảng 148 tỷ USD cho phát triển nguồn và lưới điện từ 2016-2030
Theo ông Phan Thế Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng, theo tính toán, tổng vốn đầu tư của phát triển nguồn và lưới điện giai đoạn 2016-2030 khoảng 148 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 2016-2020 khoảng 40 tỷ USD. Giai đoạn 2021-2030 khoảng 108 tỷ USD.