Bỏ phố về quê theo 'nghề Đoàn'

0:00 / 0:00
0:00
Anh Nguyễn Tấn Sang, Phó Bí thư Đoàn thị trấn Chơn Thành đi hỗ trợ nông dân Sóc Trăng tiêu thụ hành tím. Ảnh: NVCC
Anh Nguyễn Tấn Sang, Phó Bí thư Đoàn thị trấn Chơn Thành đi hỗ trợ nông dân Sóc Trăng tiêu thụ hành tím. Ảnh: NVCC
TP - Sau khi hoàn thành chương trình đại học, anh Nguyễn Tấn Sang (SN 1998, quê huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) bỏ phố về quê gắn bó với công tác đoàn (nghề Đoàn) và cống hiến cho các hoạt động xã hội.

Nghị lực vượt khó

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nguyễn Tấn Sang có bố thường xuyên đau yếu, không có khả năng lao động. Gánh nặng gia đình đặt lên vai người mẹ khuyết tật một bên chân với nghề bán vé số. Nhưng chị em Sang không bao giờ đầu hàng...

“Tấm gương khiến tôi và chị gái không bao giờ đầu hàng số phận là mẹ. Vì mẹ mà chị em tôi không bao giờ lơ là học tập. Cả hai đều học bằng những tờ vé số mà mẹ dầm mưa dãi nắng, vất vả hy sinh”, Sang chia sẻ.

Tháng 9/2016, Nguyễn Tấn Sang thi đỗ Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh. Cánh cửa trường đại học mở ra với Sang, gánh nặng “cơm áo gạo tiền” càng đè lên vai người mẹ, bởi chị gái Sang đang học đại học. “Ngày mình nhập học, mẹ dồn hết tiền tiết kiệm, đi vay khắp nơi chẳng đủ để đóng tiền nhập học chứ chưa nói đến việc thuê nhà trọ, ăn uống. Biết chuyện, thầy cô trường cấp 3 đã tổ chức quyên góp, tặng số tiền khoảng 5 triệu đồng cho tôi lên thành phố học”, Sang nói.

Tại cuộc thi viết “Tuổi trẻ của bạn và Đoàn” do báo Tiền Phong tổ chức nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tác phẩm “Duyên phận với nghề Đoàn” của anh Nguyễn Tấn Sang, Phó Bí thư Đoàn thị trấn Chơn Thành đã xuất sắc vượt qua hàng nghìn bài viết, đoạt giải Khuyến khích. Số tiền từ giải thưởng được anh dành tặng quỹ phòng, chống dịch COVID - 19.

Để giúp mẹ, Sang không nề hà trước bất kỳ công việc gì, từ làm gia sư, phục vụ bàn, đến rửa bát thuê,… có ngày chỉ ngủ 1-2 tiếng, miễn sao có tiền để trang trải học phí. “Có lần đang đi làm thêm thì tôi bị ngất vì suy nhược cơ thể. Đến khi tỉnh lại thì thấy mình ở trong viện. Chỉ những lúc túng thiếu lắm tôi mới gọi về cho mẹ để xin tiền. Lần gần nhất là hồi còn là sinh viên năm ba, khi ấy mẹ gửi cho tôi 300 nghìn đồng. Đây là số tiền mẹ bán vé số tiết kiệm được. Thương mẹ, đã có lúc tôi định bỏ học giữa chừng”, Sang tâm sự.

Năm 2020, sau khi hoàn thành chương trình đại học, Sang từ chối mọi cơ hội ở lại thành phố để trở về quê tham gia công tác đoàn thể. Anh được bầu làm Phó Bí thư Đoàn thị trấn Chơn Thành (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) với mức trợ cấp chưa đầy 1,5 triệu đồng/tháng. “Khi tôi quyết định bỏ phố về quê làm công tác Đoàn, ai cũng trách vì lương không đủ ăn. Đúng là tôi có thể tìm kiếm được nhiều cơ hội việc làm tốt hơn ở thành phố. Nhưng “máu Đoàn” đã ngấm vào tôi lúc nào không hay”, Sang nói.

Sang nhớ ngày nhận tháng lương đầu tiên, cầm 200 nghìn đồng về đưa cho mẹ. Mẹ phì cười: “Có mấy đồng, để mà xài...”. Để có tiền trang trải cuộc sống, ban ngày Sang đi làm, tối đi phục vụ quán ăn, dạy kèm. Cậu chưa bao giờ ân hận về quyết định bỏ phố về quê của mình.

Gây quỹ học bổng vì học sinh nghèo

Không chỉ nghị lực, Nguyễn Tấn Sang còn là chàng trai giàu lòng nhân ái. Sang cho biết, ngay từ những ngày còn là sinh viên anh đã “bén duyên” với những phong trào Đoàn, Hội và màu áo xanh tình nguyện. Sang đã có nhiều trải nghiệm, nhưng quan trọng hơn anh luôn lạc quan có niềm tin cuộc đời để vượt lên chính mình.

Những ngày cuối tháng 4/2021, khi hay tin do ảnh hưởng của dịch COVID - 19, nông dân thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) còn tồn đọng khoảng 50.000 tấn hành tím - nông sản chủ lực của địa phương không tiêu thụ được. Chẳng nghĩ nhiều, Sang tức tốc bắt xe đến Vĩnh Châu, nhập hành về hỗ trợ bà con tiêu thụ.

“Xuống đến đây, tôi rất bất ngờ khi người dân trồng hành chủ yếu là đồng bào Khmer. Cuộc sống người dân quanh năm đã khó khăn nay hành tím lại mất giá mà không có người mua, nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh túng quẫn. Lúc đó tôi trong người có đúng vỏn vẹn khoảng 300.000 đồng làm vốn. May mắn được một cán bộ hợp tác xã hỗ trợ và bà con nông dân tin tưởng nên đã nhập thành công 10 tấn hành với giá 15.000 đồng/kg về Bình Phước. Trong khi kế hoạch ban đầu là 5 tạ”, Sang chia sẻ.

Khi số hành vừa về đến Bình Phước, ngay lập tức anh bắt tay vào phân loại, kêu gọi đoàn viên, thanh niên địa phương cùng hỗ trợ. Hành tím Vĩnh Châu được Sang bán với giá 19.000 đồng/kg, số tiền chênh lệch được anh trích vào Quỹ ủng hộ phòng, chống dịch COVID - 19 và xây dựng quỹ học bổng “Vì trẻ em”.

Chia sẻ về quỹ học bổng “Vì trẻ em”, anh Nguyễn Tấn Sang, Phó Bí thư Đoàn thị trấn Chơn Thành tâm sự: “Bản thân mình đã lớn lên trong nghèo khó, nhiều lần đối diện với nguy cơ phải bỏ học. Vì vậy tôi ước rằng, sẽ không có em học sinh nghèo nào không được đến trường. Trước mắt, quỹ sẽ ưu tiên hỗ trợ học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số”.

MỚI - NÓNG