Thi sĩ Hữu Loan: Về với 'Vân Hoàn mây trắng'

Thi sĩ Hữu Loan: Về với 'Vân Hoàn mây trắng'
TP - Vân Hoàn mây trắng là tên bài thơ của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn viết tặng thi sĩ Hữu Loan năm 1987. Bàng bạc suốt bài là một âm hưởng dịu dàng thủ thỉ chừng như để chia vui với một thân phận đa đoan trắc trở đã tìm lại phần yên lành của cuộc đời "mật ong nhà tan trong bát rượu quê/ ông lại hát những vui buồn đích thực".

>> Đã bay về trời 'Màu tím hoa sim'

Thi sĩ Hữu Loan: Về với 'Vân Hoàn mây trắng' ảnh 1
Thi sĩ Hữu Loan - Ảnh: Nguyễn Đình Toán 

Ấy cũng là cách nói cho yên cho sang đó thôi chứ cái việc thổ mộc oằn lưng mỗi ngày từ bửng tưng đến nhọ mặt người để bẩy để đục được mấy khối đá ở chân núi Vân Hoàn để rồi lại đi mời chào chán chê đặng kiếm tám hào bạc mỗi khối mua gạo nuôi bầy con lít nhít thì làm sao hát lên những vui buồn này khác được?

Chài chãi suốt từ năm 1956 như thế dưới chân rặng núi đất lẫn đá của quê nhà đến tận những năm đầu 90 thì có ghê có hãi không?

Nhắc đến Trịnh Thanh Sơn lại bâng khuâng cái nỗi, nhà thơ cũng đã về với mây trắng ít năm nay. Nhà thơ đang nằm kia bên xã Nga Thủy của Nga Sơn.

Vân Hoàn chiều nay trời khô khén, nắng xuân tãi vàng hươm trên những vạt thanh hao. Đang khi tang tự dưng cái thứ cây dùng làm chổi xể cứ lừng lên thứ hương đến là khó chịu.

Chúng tôi chầm chậm nối nhau đưa thi sĩ ra nghĩa địa ven chân núi. Ông thầy lo việc hương khói tâm linh cho lễ tang nhà thơ Hữu Loan khoát nhẹ một vòng tay để chỉ cho mọi người thấy cái thế mà ông nói rằng khá đắc địa.

Nhánh sông Mã quanh co uốn lượn trước dãy Vân Hoàn. Hậu sơn tiền thủy, thế ấy là vượng trạch vượng địa chả cứ âm phần mà dương phần đều được! Nghe vậy thì biết vậy thôi...

Chả biết những ngày nắng lửa hay oi nồng liên tiếp quệt mồ hôi hổn hển ngó xuống nhánh sông Mã trong những ngày đánh đá quyết liệt để kiếm gạo nuôi con, thi sĩ Hữu Loan có tiên liệu được cái nơi mà mình nằm xuống lại chính chỗ những hố đá mình khơi ra như thế không?

Ngó hàng người dài dặc chuyển những viên đá xanh hình thù đủ loại từ chân núi lên huyệt mộ, tôi chợt nhận ra những viên những hòn đá ấy cùng loại cùng cỡ với thứ đá mà ông bạy, ông quai ra để kiếm sống một cách nhọc nhằn dằng dặc hơn bốn chục năm giời!

Hàng trăm hàng ngàn khối đá thi sĩ đánh ra như thế nhưng đến khi nằm xuống chỉ cần chỉ dành cho mình non một khối thôi. Hóa ra tỷ lệ để sống và tỷ lệ để chết nó chênh nhau đến là khiếp.

Tôi chợt nhận ra bên những phần mộ thứ cũ thứ mới, bạt ngàn cơ man nào là cái giống sim mua lè tè lúp xúp. Đang cữ hoa nên giăng khắp một màu tím ấm khiến nơi mộ phần vẻ như bớt phần cô quạnh.

Có một dáng lưng thon thon trong đám chị em đi đưa đám thấp hơn lui cui động thái gom bẻ hoa. Một chốc tôi sững người khi bên phần mộ của thi sĩ một bó tím ngắt. Có ai đó khẽ thốt màu tím hoa sim. Một giọng khác nối theo sim đâu mà sim, mua đấy. Thì sim mua cũng cùng loại cùng loài.

Ấn tượng nữa trong đám hiếu thi sĩ, bặt hẳn đi điệu kèn lâm khốc bi ai. Phường bát âm là thông dụng ở những vùng quê sao bữa nay vắng? Nhưng bù lại, đội kèn đồng tinh những ô boa clarinet sáng loáng, sắc phục trắng toát gần 30 tay kèn liên tục cử những bản nhạc với tiết tấu chẳng có gì bi ai cả.

Thấy tôi chăm chú với những bản nhạc mang hơi hướng hành khúc, một ông bạn mần thơ ở Hà thành đập lên vai giọng hỉ hả thế này mới ra cái chất Hữu Loan! Chất Hữu Loan?

Chứ không à. Tiết tấu nhịp điệu của những Đèo Cả những Hoa Lúa, những làng đi qua là chất tráng ca. Tiết tấu thơ những đoạn đột ngột xuống dòng lẫn cách quãng, ngay từ năm 1946 với Đèo Cả, Hữu Loan đã làm mới cho thơ Việt với chất tráng ca độc đáo ấy rồi.

Sống sao thác vậy. Hẳn nơi cao xanh kia thi sĩ cũng ngậm cười rằng âm thanh chủ đạo trong đám tang mình phải nồng ấm hơi hướng của sự hằng sống của nhịp đời khác với những nỉ non rên rỉ...

Không đợi cho ông bạn dứt mạch diễn, tôi hỏi nhỏ  người con trai thứ 8 của thi sĩ là Nguyễn Hữu Đán thì được biết, đội kèn đồng gần 30 tay kèn là nguời của xứ đạo Nga Liên, Tam Linh, Nga Phú của Nga Sơn tình nguyện sang phục vụ đám hiếu.

Hỏi kỹ hơn thì ra thời gian hoạt động bí mật ở những vùng công giáo xôi đỗ hoặc toàn tòng này cũng như thời gian là Phó chủ tịch lâm thời huyện Nga Sơn, thi sĩ Hữu Loan đã có nhiều việc làm gây ấn tượng tốt cho bà con giáo dân ở những nơi ấy.

Tôi ghé sang một tay kèn ô boa sáng loáng thì anh cho hay, lâu lắm rồi ở Nga Sơn mới có một đội kèn đồng hoành tráng như đội kèn chiều nay trong một đám ma.

Ông bạn mần thơ lại nối thêm cái sự nhiệt thành khi trích ra câu của Nguyễn Tuân đại ý rằng đám ma Hữu Loan phải là thế, rằng chúng ta nên đẹp quanh cái chết của một người thân!

Với người con trai thứ 8 này của thi sĩ, tôi đồ rằng, mai kia giới xuất bản hay giới gì nữa thì không biết, nhưng chắc hẳn phải tìm đến anh để quấy quả lâu lâu!

Chứ không à. Chắc phải có duyên do gì, thi sĩ Hữu Loan mới phó thác tất tật những gì mình đã biên chép và những gì đã từng âm ỉ bao lâu trong đầu. Những đận gặp trước, tôi được biết anh con trai Nguyễn Hữu Đán gần đây đã được cha giao cho trách nhiệm biên chép lại nhiều thứ mà ông nhớ lẫn ông đọc.

Tính Hữu Loan là thế. Màu tím hoa sim ông cũng chép rồi đút phéng trong túi chả đọc cho ai. May mà cậu cần vụ đi giặt áo cho thủ trưởng đã tỉ mẩn lộn trái tìm được bài thơ nhăn nhúm nhàu nát ấy.

Tốt nghiệp đại học kiến trúc, Đán về công tác ở một cơ quan bảo vệ di sản. Mừng cái nỗi, bảo vệ di sản cho ai và những chi chi thì cứ việc nhưng được cha giao phó cũng như tự nguyện bảo vệ di sản cho cha mình thì là hợp nhẽ quá rồi!

Lần trước gặp chuyện lâu với Đán, tôi thầm bừng ra nhiều cái à. Cứ như Đán bộc bạch dẫu chỉ sơ sài thôi, thi sĩ Hữu Loan hóa ra tác phẩm không kiệm không vắn như thiên hạ lâu nay vẫn tưởng?

Tỷ như có bài thơ bất chợt thi sĩ buông ra ít dòng nhưng hôm sau ông bảo Đán nối thêm nhiều dòng khác. Lần ấy tôi có gạ thêm, cụ thể có thứ chi tày tặn mà cụ chưa xuất bản không thì Đán lảng sang chuyện khác. Chao ôi tự dưng phát lộ ra một cái vỉa về Hữu Loan như thế?

Chất giọng trầm buồn khi Đán cho biết mới sớm hôm qua thôi (ngày 18-3 tức mồng 3 tháng hai ta), cụ còn tỉnh táo uống ngon lành một lon nước ngọt. Buổi trưa con cháu mời cụ ăn cháo, cụ nói đang mệt hãy thư thư.

Mấy tháng nay, cụ phải nằm bẹp không phải liệt mà chứng chi đó thuộc khớp nhưng lúc nào cũng tỉnh táo. Chặp tối, con cháu đã thấy cụ mê đi rồi và ra đi khá nhanh. Ngọn đèn cháy sáng gần một thế kỷ ấy có lúc leo lét nhưng đã đến lúc cạn kiệt hết dầu.

Đán cho biết thêm nhiều người trách sao đưa cụ đi vội thế, hẵng thư thư cho bao người đến thắp nén hương nhưng ông thầy bảo ngày mai (mồng 5 ÂL) là ngày nguyệt kỵ, với lại gia đình cũng thấy hợp lý. Nhất là có sự chuẩn thuận của bà vợ thi sĩ, người đã từng bao năm cùng ông giữ ngọn lửa ấm gia đình qua bao tao loạn giông bão với 10 con trai con gái và hơn 40 đứa cháu nội ngoại.

Trong số những bài thơ khóc phúng điếu thi sĩ, tôi thấy có một bài thế này

Khoác tấm áo rách vai/Hát chiều hoang biền biệt/ Sao con Tạo khéo đùa/ Thăm thẳm đựng trời quê/ Đẩy xe gầm bánh nặng/ Đội trời nắng chang chang/ Cảm thơ mưa rách dột/ Mênh mang nghe gió núi/ Chốc ngậm cười sương khói hoang.

Con gái Nguyễn Thị Hương con rể cùng các cháu bái khóc. Một bài thơ của con gái thi sĩ Hữu Loan có chi phảng phất hơi hướng hồn cốt của cha mình? Vội quá tôi tiếc là chưa gặp được tác giả trong những khuôn mặt thẫn thờ vừa mất cha kia. Đành để khi khác vậy.

Chiều Vân Hoàn đang xuống chậm. Màu tím hoa mua từ nghĩa địa như đang loang khắp.

Thị trấn Lèn, đêm 19-3-2010

MỚI - NÓNG