Người mẹ 82 tuổi vẫn cào nghêu nuôi con

Người mẹ 82 tuổi vẫn cào nghêu nuôi con
TP - 12 tuổi đã phải dầm mưa dãi nắng cào nghêu, nay đã 82 tuổi vẫn hằng ngày còng lưng trên bãi biển đãi cát kiếm từng hạt gạo. 9 lần sinh nở, 5 đứa con lần lượt ra đi. Hai người con trai còn sống, người thì bị bệnh gan, người bệnh phong hành hạ...

Biển động dữ dội. Tôi ngồi trong căn nhà nhỏ của cụ Nguyễn Thị Trạch (phường Thu Thủy, TX Cửa Lò, Nghệ An), cách bờ biển hơn 1 km mà vẫn nghe gió rít từng cơn.

Cụ Trạch loay hoay dọn cơm chiều, bữa cơm đạm bạc vài cọng rau bày ra trên chiếc mâm cũ nát. “Dậy nào, Chung ơi! Trời sắp tối rồi!”-Giọng cụ yếu ớt. Ánh đèn bật sáng, ánh sáng soi tỏ gian nhà lạnh lẽo và nghèo nàn. Phía đối diện, đống chăn chợt động đậy, trong đó phát ra tràng ho dài.

Từ đống chăn cáu bẩn thò ra một đôi chân cụt lên gần mắt cá được bao bọc bởi mảnh băng trắng đã ngả màu. “Con trai đầu lòng của tôi đấy, bị bệnh phong hầu như chỉ nằm một chỗ suốt 35 năm nay!”-Cụ Minh cho biết.

“Sao gia đình không đưa anh ấy đi chữa trị ở Bệnh viện phong Quỳnh Lập?”-Tôi hỏi. Tiếng cụ trầm xuống: “Nhà tôi nghèo, tôi già cả chẳng biết mô tê chi!”. Tràng ho vẫn kéo dài không dứt.

Người mẹ 82 tuổi vẫn cào nghêu nuôi con ảnh 1
35 năm nay, anh Chung nằm trên giường

Người đối diện lồm cồm bò dậy, tựa lưng vào bức tường, anh ngồi lùi vào bóng tối và đưa hai tay đấm đấm mấy cái vào trán vẻ mệt mỏi. Đó là anh Nguyễn Kim Chung, 55 tuổi. Mẹ đã ở vào tuổi “cổ lai hy”, nhưng trông anh Chung già hơn mẹ. Mái tóc anh rối bời, khuôn mặt gầy guộc, bơ phờ.

Chân cụt lên gần mắt cá, không tự đi được nên mỗi lần muốn di chuyển từ nhà ra sân, anh Chung phải đu mình lên đôi “nạng”. Đôi “nạng” thật kỳ lạ, một bên là chiếc dép mòn quai và một bên là chiếc ghế thấp sát mặt đất.

Nghèo túng triền miên, đến cả đôi dép cho con cụ Trạch cũng không mua nổi. Ngoài bệnh phong, anh Chung còn mắc hai chứng nan y: Câm, điếc bẩm sinh! “Từ khi sinh ra cho đến nay, con trai tôi không nghe, không nói được câu nào.

Đến năm 20 tuổi thì đột nhiên xuất hiện nhiều vết thâm đen ở ngón chân. Ngón chân lở loét, tróc ra từng mảng và rụng dần. Vết lở loang lên tận mắt cá khiến đôi chân nó bị cụt nom tiều tuỵ thế đấy!”. Kể về nỗi khổ của con trai, đôi mắt cụ Trạch rơm rớm nước.

Con bị bệnh hiểm nghèo, chồng đột ngột ra đi, đời mẹ như chiếc thuyền nan lạc trong phong ba, bão tố.

Thương thân cò lặn lội mom sông 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về :

- Nhà báo Trần Quang Long, trưởng đại diện báo Tiền phong tại Nghệ An, số 21 đường Hồ Xuân Hương, phường Cửa Nam, TP Vinh, Nghệ An. ĐT : 0943909979.

- Ban bạn đọc báo Tiền phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội. ĐT : 84 4 39434031.

- Bạn đọc ở nước ngoài muốn gửi tiền giúp đỡ cụ Trạch, xin chuyển qua tài khoản của báo Tiền phong :

+ Beneficiary's name: Bao Tien Phong, 15 Ho Xuan Huong street, Hai Ba Trung distric, Ha Noi, Viet Nam

+Beneficiary's account: 123.1000006217.5

+Banking name: Bank for investment and development of Viet Nam, Quang Trung Branch, Address: 53 Quang Trung street, Ha Noi, Viet Nam.

+Swift code: BIDV VNVX 123  

Xin trân trọng cám ơn.

Có hôm trái gió trở trời, vết thương ở đôi chân Nguyễn Kim Chung buốt nhói. Không chịu nổi cơn đau, anh lao mình xuống giếng. Cậu em trai Nguyễn Chí Thành vừa về đến đầu ngõ nghe tiếng mẹ kêu cứu, tá hoả nhảy xuống vớt anh lên.

Sinh ra trong gia đình diêm dân nghèo thuộc dạng cùng đinh ở phường Thu Thủy, cụ Trạch chưa bao giờ được hưởng trọn một ngày ấm êm, hạnh phúc.

12 tuổi, phải ra đồng làm muối, xuống biển cào nghêu. Đến nay đã 82 tuổi, mưa gió thì thôi, hễ nắng ráo nước ròng cụ lại lọ mọ vác cào ra biển. 70 năm sóng nước, chiếc cào nghêu vắt qua 2 thế kỷ, cụ Nguyễn Thị Trạch là người có thâm niên làm nghề cào nghêu lâu nhất nước.

Lúc Cửa Lò còn là một làng quê nhỏ bé, cụ Trạch đã đi cào nghêu. Khi thị xã biển vươn mình đứng dậy, giàu có, phồn hoa, người mẹ khốn khổ ấy vẫn nặng trĩu mớ nghêu trên vai, sớm tối đi về.

Chồng mất, đời cụ hẫng hụt, thiếu đi một chỗ dựa vững chắc. Con trai cả lâm bệnh, căn nhà nghèo túng ngày càng trở nên nghèo túng, kiệt quệ hơn. “Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai!”, người con trai thứ lấy vợ, ra ở riêng, bị bệnh tật đánh gục, không lao động được.

Con gái Nguyễn Thị Dành, Nguyễn Thị Thanh đi lấy chồng. Người ở Nghệ An, kẻ phiêu dạt ra tận Hải Phòng, nghèo khổ nên chẳng giúp gì được mẹ. Cậu con út nghiện ngập, chết cách đây 3 năm.

Căn nhà trống, gió lùa xiêu vẹo. Ngày mưa ngồi trong nhà mà như đứng ngoài sân, bốn phía nước chảy tứ tung. Chính quyền sở tại hiểu được nỗi khổ của mẹ con cụ Trạch, năm 2008 phường Thu Thủy góp tiền xây cho cụ căn nhà tình nghĩa mang tên nhà Đại đoàn kết. Đủ chỗ sinh hoạt cho mẹ góa con côi, yên tâm che mưa trú nắng, được như vậy đối với cụ Trạch chẳng mơ ước nào bằng.

Không còn phải lo mái nhà dột, nỗi lo nhất bây giờ là không có gạo ăn. Thiếu gạo, đói đến độ đứt bữa, chuyện đó cụ Trạch quen rồi. Mẹ con kiếm ăn lần hồi, có gì ăn nấy, rau cháo qua ngày.

Mùa đông tháng giá, gió bấc về kéo theo những cơn mưa triền miên, cụ già hơn 80 tuổi không thể đi cào nghêu. Cụ lần lần vác cào ra ngoài đồng bãi, ra phía bờ sông, đãi cát tìm từng con phi, con hến.

Nhìn cảnh cụ già lưng còng tóc bạc cúi gập mình trên bãi vắng và bước từng bước giật lùi trong hun hút gió bấc mưa phùn, người qua đường không khỏi chạnh lòng!

Thị xã biển ngày càng giàu, khách sạn lấn làng, đường nhựa lấn sông, lũ phi lũ hến ngày càng hiếm hoi ở những bãi sình lầy ven sông. Cụ Trạch bỗng dưng thất nghiệp.

Hai mẹ con cụ cố gắng cầm cự cho qua mùa đông, đợi đến mùa hè mới có thể đi cào nghêu. 70 năm cào nghêu, chân cụ đã mòn. Đôi chân của người mẹ ngoại bát tuần không còn vững, nhiều khi không cất nổi bước. Đoạn đường hơn 1km từ nhà ra bờ biển so với sức vóc của cụ là một thử thách quá lớn.

Nếu đi từ nhà ra biển, cụ Trạch sẽ không còn mấy sức để cào nghêu. Nhưng không đi thì không có cái ăn. Thương mẹ, cứ 3-4 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Dành lại đạp xe sang Thu Thủy chở mẹ chạy ra phía biển, chiều đón mẹ về. Hành trình đãi cát tìm cơm cứ như thế!

Dưới ánh nắng chói chang, cụ già 82 tuổi chậm chạp đi giật lùi, từng bước nhẫn nại và khổ hạnh. “Tôi cào từ sáng đến trưa, may mắn thì được cân nghêu, bằng không ra về trắng tay!”, cụ Trạch nói.

Còn chút sức tàn, người mẹ khốn khổ còn đi ra phía biển để lao động, cụ không muốn mang tiếng là kẻ hành khất, kẻ ăn mày. Du khách nhìn thấy cảnh cụ già gầy yếu còng lưng, cúi gập mình trên bãi cát cào nghêu, nhiều người thương tình đãi cụ bữa cơm trưa, cho một ít tiền.

Có người theo chân cụ Trạch về tận nhà, chứng kiến sự nghèo khổ của gia đình mẹ góa con côi, họ chạy ra chợ sắm cho cụ tấm chăn, cái màn. Bộ bàn ghế cụ đang dùng cũng là vật tặng của một chiến sỹ công an công tác tại Hà Nội trong một lần về thăm nhà cụ.

Tôi dạo quanh khu vườn của cụ Trạch. Khu vườn khá rộng nhưng chỉ lưa thưa vài khóm đậu, cây khế. “Hôm trước Dành xuống thăm mẹ, nó ra vườn cuốc đất trồng hộ mấy khóm cây. Sức tôi cạn rồi, không thể cầm nổi cái cuốc!”, cụ Trạch nhìn ra mảnh vườn trước mặt nơi có luống đất vừa xới lên, đậu chưa nảy mầm.

Cây khế đầu đông trĩu quả, cuối mùa chỉ còn trơ lại cành và lá. Đói, thiếu cái ăn, cụ hái khế mang ra chợ bán kiếm tiền đong gạo. Một mớ khế bán được dăm ba ngàn đồng, với ngần ấy tiền hai mẹ con cụ Trạch sống qua ngày.

Lũ nghêu trở nên khan hiếm nhưng cụ già 82 tuổi vẫn phải hằng ngày vác cào ra bờ biển, đãi cát tìm cơm. Cuộc đời cụ quanh quẩn từ nhà ra biển, từ biển về nhà, tháng liền tháng, năm liền năm. Một ngày không đi cào nghêu, cơn đói sẽ ập tới.

Anh Chung vừa xong bữa cơm tối, người đàn ông tật nguyền lặng lẽ chống tay xê dịch về phía giường, từng bước rất nặng nhọc. Cụ Trạch dõi theo con trai, trên khuôn mặt nhăn nheo hai giọt nước mắt ứa ra:

“Mấy năm trước, mỗi tháng nó được trợ cấp 75.000 đồng tiền chế độ chính sách. Từ đầu năm 2008 đến nay không hiểu sao chưa nhận được đồng nào. Lần nào tôi ra phường hỏi, cán bộ cũng bảo đang làm. Không biết mẹ con tôi còn phải chờ đợi đến bao giờ?”. 

MỚI - NÓNG