Đã và sẽ còn nhiều “đại gia” nối gót nhau phá sản, trốn nợ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có nên cứu thị trường bất động sản và cứu thế nào? Thực tế nhãn tiền đang xảy ra ở châu Âu, Mỹ, khi người dân tố rằng tiền thuế của họ đã được đổ ra để cứu những gã nhà giàu như ngân hàng, các công ty bất động sản vốn “tham lam vô độ”?
Thông tin tại Hội thảo “Tài chính và kế toán lĩnh vực bất động sản” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây cho thấy, dư nợ cho vay bất động sản tại TPHCM là 47%, Hà Nội là 16% trong tổng số 245.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng, chiếm gần 10% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng, trong đó nợ xấu khoảng 8 - 12% (tương đương 30.000 tỷ đồng).
Trong khi ấy, thời hạn mà các ngân hàng thương mại phải đưa tỷ lệ dư nợ tín dụng bất động sản về mức 16% không còn bao nhiêu (31-12-2011), nhưng tại nhiều ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng nhỏ, dư nợ bất động sản vẫn chiếm 30-40% trên tổng dư nợ, cá biệt có ngân hàng chiếm tới 50%.
Một số người hiểu biết lĩnh vực ngân hàng đã cho rằng, tín dụng đen không chỉ tồn tại trong xã hội qua giao dịch của các cá nhân mà có cả trong những khoản cho vay của các ngân hàng thương mại, không những vậy còn khá phổ biến. Với những tầng nấc trung gian, với các khoản hoa hồng, lại quả, chắc chắn đã có không ít món vay đầu tư bất động sản được thông qua dù chưa hoặc không hợp lệ.
Tình hình ấy khiến các cơ quan quản lý không còn cách nào khác là phải siết chặt tín dụng đối với mảng bất động sản. Nhưng, như đã nói ở trên, điều đáng lo ngại là để cứu các đối tác kinh doanh bất động sản, trong khi nền kinh tế thiếu vốn, doanh nghiệp cần vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, vẫn tồn tại khả năng các ngân hàng tìm cách “lách” để ngầm xoay chuyển tình thế trước những khoản đầu cơ khổng lồ vào nhà, đất và điều này đồng nghĩa với việc chủ trương thắt chặt tín dụng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ khó
thực hiện.
TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay trong hội thảo nói trên, không chỉ tỷ lệ dư nợ tín dụng bất động sản cao, nhiều ngân hàng vẫn đang xem xét các khoản vay nội bộ, tức là cho các cổ đông lớn của các ngân hàng vay tiền, mà các cổ đông này lại chính là chủ đầu tư các dự án bất động sản. Đây chính là rủi ro lớn đối với ngân hàng mà nói rộng ra là rủi ro lớn cho cả nền kinh tế.
Ai cũng hiểu, để dấn thân vào cuộc chơi bất động sản, chắc chắn người chơi phải có tiền tỷ, chí ít cũng vài trăm triệu đồng. Như vậy, có thể nói các “nạn nhân” của đợt xì hơi bong bóng bất động sản là người có của ăn, của để thậm chí nhiều người được cho là có khả năng lobby về chính sách. Câu chuyện lợi ích nhóm và lợi ích của cả nền kinh tế, lợi ích toàn dân một lần nữa lại được đặt ra.
Thị trường bất động sản có vai trò và vị trí cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ nền kinh tế nào. Vì thế việc giải cứu thị trường bất động sản đòi hỏi nhà nước phải có biện pháp xử lý linh hoạt và thấu đáo.