Và những vấn đề mà cuộc sống đặt ra hầu như vẫn còn nguyên đó.
Tại cuộc họp sáng 6-9 của Bộ Giao thông-Vận tải với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về đề án quỹ Bảo trì đường bộ, các cơ quan này cơ bản thống nhất chọn phương án thu trực tiếp qua đầu phương tiện thay vì thu qua xăng dầu và theo đầu ô tô như phương án cũ. Ba bộ thống nhất đưa ra hai phương án dự kiến trình Chính phủ, có nhiều phần nghiêng về phương án 1 là thu chủ yếu qua đầu phương tiện, gồm cả ô tô và xe máy, cộng với ngân sách nhà nước cấp bù, căn cứ theo nhu cầu. Các trạm thu phí nộp ngân sách sẽ được giải thể, các trạm đã bán quyền thu phí hoạt động lâu nhất đến năm 2015, giữ lại các trạm thu phí BOT theo hướng chuyển giao dần.
Phải nói ngay là ngay cả khi chọn phương án thu phí bảo trì đường bộ qua phương tiện, các cơ quan quản lý vẫn phải trả lời người dân về những câu hỏi mà cách thu này “hứa hẹn” gây ra, cho dù cách thu này đang được xem là ưu việt hơn thu qua xăng dầu.
Chắc chắn, những thắc mắc lâu nay của công chúng về khả năng tạo ra sự bất công trong việc thực hiện nghĩa vụ của người dân. Đồng ý rằng đã sử dụng phương tiện giao thông là phải sử dụng đường sá, phải nộp phí, nhưng mức độ sử dụng phương tiện khác nhau, với những mục đích khác nhau. Rất khó để thuyết phục một người dân bình thường rằng dù chỉ sử dụng xe cộ một vài ngày trong tháng, anh ta cũng sẽ phải đóng một mức phí ngang bằng với một đầu xe của các công ty làm dịch vụ vận tải. Nhưng sẽ còn gây bức xúc hơn nếu chính quyền tiếp tục tỏ ra kém minh bạch về các khoản thu. Rất nhiều người dân đã bày tỏ sự băn khoăn khi được biết trong khoản tiền họ bỏ ra mua xăng dầu chạy xe đi làm, đã có một phần được trích quỹ Bảo trì đường bộ. Nhưng tổng số tiền này là bao nhiêu, đã được thu, chi ra sao, bao nhiêu người dân được rõ? Khi cuộc tranh luận về cách thức thu phí bảo trì đường sá nổ ra, công chúng mới biết (thông qua báo chí) rằng, căn cứ lượng xăng dầu tiêu thụ của cả nước năm 2010 (khoảng 18 triệu tấn), số tiền thu được ước khoảng 12.150 tỷ đồng. Con số này gần gấp đôi số tiền Tổng cục Đường bộ Việt Nam dự kiến thu được thông qua quỹ bảo trì đường bộ (6.300 tỷ đồng/năm), đủ đáp ứng nhu cầu sửa chữa, bảo trì đường bộ theo tính toán của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Nhưng tiền này được chi vào những việc gì, chưa rõ.
Vấn đề đặt ra hiện nay là khi đã chọn thu phí bảo trì đường bộ, cơ quan chức năng cần làm rõ tiền sẽ được sử dụng ra sao? Điều hầu hết người dân quan tâm không phải là phải nộp thêm hay bớt đi, mà là sự minh bạch. Và cao hơn, họ cần sự công bằng và sòng phẳng: đã nộp tiền bảo trì đường sá thì phải được đi trên những con đường đạt chuẩn chứ không phải chứng kiến những cây cầu bị rút ruột, những con đường mang tiếng là cao tốc nhưng chỉ dám chạy thấp tốc...