> Từ 1-6, giá điện theo cơ chế thị trường
Vì chỉ có như vậy, mới giải quyết gốc rễ vấn đề thiếu điện, đồng thời xóa được cơ chế bao cấp giá tràn lan, gây bất bình đẳng, đồng thời hạn chế thấp nhất tình trạng thất thu, sử dụng điện lãng phí, nhất là với những ngành tiêu hao nhiều năng lượng như thép, xi măng...
Tuy nhiên, trong khi chúng ta chưa xây dựng được một thị trường điện cạnh tranh (từ phát điện, đến mua, bán điện) thì việc thực thi quyết định trên liệu có hiệu quả? Bởi hiện nay Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), vẫn một mình một chợ, độc quyền từ mua đến bán. Riêng lĩnh vực phát điện, nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước đã đầu tư, song do tình trạng “trăm người bán, một người mua”, nên ngay cả khâu phát điện, cũng chưa có thị trường cạnh tranh đúng nghĩa.
Theo quyết định 24, căn cứ để EVN được điều chỉnh giá bán điện khi thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành.
Tính toán của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho thấy, với giá bán điện bình quân vừa tăng từ ngày 1-3 ở mức 15,28% (tương đương giá 1.220 đồng/Kwh), nhưng năm 2011, EVN tiếp tục chịu lỗ thêm 3.366 tỷ đồng. Như vậy, có thể nói với cơ cấu giá đầu vào như hiện nay, để EVN không lỗ, thì giá điện bình quân phải tới 1.600 đồng/Kwh, thậm chí có thể hơn.
Nhưng ai biết giá điện ấy, được hình thành ra sao. Hiện, nếu tính giá thành, không chỉ tính trên suất đầu tư công trình, nhà máy điện, chi phí nhiên liệu đầu vào, chi phí khấu hao, thuế, chi phí quản lý, nhân công, mà còn tính cả chi phí tổn thất điện năng...vv.
Tuy nhiên, lâu nay, các chi phí quản lý của “ông” độc quyền, chưa khi nào được công khai, minh bạch. Trong khi lại chưa hình thành thị trường điện cạnh tranh, nên khó có cơ sở để người dân giám sát giá bán điện của EVN. Như vậy, người mua trong bất kỳ trường hợp nào đều không có lựa chọn, thậm chí chẳng biết mình đang mua điện đắt hay rẻ.
Chưa kể, trong quyết định trên, chưa nói tới việc EVN sẽ mua điện của những nhà đầu tư nguồn điện (ngoài EVN) như thế nào, họ có phải mua theo giá thị trường, hay vẫn độc quyền mua theo giá áp đặt. Như vậy, nếu không có cơ chế giám sát, đồng thời khi nào EVN vẫn “một mình một chợ”, thì với quyền được bán điện theo giá thị trường chỉ làm tăng thêm vị thế độc quyền của EVN. Và khi đó, việc xoá độc quyền trong mua bán điện sẽ càng trở nên khó khăn hơn.