Đàm phán để giải quyết hòa bình

Đàm phán để giải quyết hòa bình
Việt Nam và Trung Quốc khẳng định, cần tích cực thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị.

Bất đồng Việt-Trung về biển Đông:

Đàm phán để giải quyết hòa bình

Thông tin báo chí chung Việt Nam - Trung Quốc

Ngày 25-6 tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, Đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình biển Đông thời gian gần đây. Trước đó, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân.

Hai bên khẳng định, cần áp dụng biện pháp có hiệu quả, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định tại biển Đông; tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước.

Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc; thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và các công việc tiếp theo, cố gắng sớm đạt tiến triển thực chất.

Hai bên cho rằng, quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, đáp ứng nguyện vọng chung và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước Việt-Trung, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

Hai bên nhấn mạnh cần kiên trì đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển theo đúng phương châm 16 chữ (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và tinh thần 4 tốt láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt).

Mỹ đề nghị Trung Quốc nỗ lực làm giảm căng thẳng trên biển Đông

Ngày 25-6, trong khi các cường quốc Thái Bình Dương tổ chức hội đàm lần đầu tiên trong bối cảnh xảy ra bất đồng ở khu vực Đông Nam Á, Mỹ đề nghị Trung Quốc giảm căng thẳng trên biển Đông thông qua đối thoại. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Kurt Campbell, cho biết ông đã nói với đại diện Trung Quốc tại cuộc hội đàm trên ở Hawaii rằng, Mỹ hoan nghênh vai trò to lớn của Bắc Kinh dù họ cảnh báo Washington không được tham gia các vấn đề tranh chấp ngày càng căng thẳng ở vùng biển này.

Ông Campell nói: “Chúng tôi mong muốn căng thẳng dịu đi. Chúng tôi rất quan tâm việc duy trì hòa bình, ổn định và chúng tôi đang tìm kiếm một cuộc đối thoại giữa tất cả các bên giữ vai trò chủ chốt”.

Nhiều nghị sĩ Anh ủng hộ kiến nghị về tình hình biển Đông

Theo thông tin từ Hạ viện Anh, đến ngày 24-6, có 9 nghị sĩ ký tên ủng hộ bản kiến nghị lên Hạ viện về tình hình căng thẳng ở biển Đông. Chín nghị sĩ đó là: Peter Bottomley, Martin Caton, Mark Durkan, Mike Hancock, Mark Hendrick, George Howarth, John Leech, Tony Lloyd và Jim Shannon.

Trước đó, tại phiên họp ngày 16-6 của Hạ viện Anh, Hạ nghị sỹ George Howarth, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ Anh - Việt, và Hạ nghị sỹ Mark Hendrick, Chủ tịch nhóm Nghị sỹ Anh - Trung, cùng đứng tên đệ trình bản kiến nghị.

Nội dung kiến nghị nêu rõ: “Thành viên Hạ viện quan ngại về tình hình tranh chấp leo thang tại biển Đông. Chúng tôi nhận thấy có nhiều tuyên bố khác nhau về lãnh thổ ở khu vực này, đồng thời hoan nghênh tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng họ sẽ không sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp”.

Hai hạ nghị sĩ George Howarth và Mark Hendrick hoan nghênh lời kêu gọi của các nước thành viên ASEAN giải quyết tranh chấp thông qua những giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 và DOC, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh làm tình hình trong khu vực phức tạp thêm.

Hai hạ nghị sĩ cũng kêu gọi có các hướng tiếp cận song phương và đa phương để giải quyết những mâu thuẫn ở biển Đông một cách hòa bình và khôi phục sự ổn định trong khu vực.

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.