Ngư dân và chủ quyền

Ông Chu Tiến Vĩnh
Ông Chu Tiến Vĩnh
TP - Bộ NN&PTNT vừa có tờ trình Chính phủ về Đề án thành lập lực lượng Kiểm ngư Việt Nam.

> Ngư dân kể chuyện bị kiểm ngư Trung Quốc đoạt tài sản

Ông Chu Tiến Vĩnh
Ông Chu Tiến Vĩnh.
 

Ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), trao đổi với Tiền Phong, quanh vấn đề này.

Ông Vĩnh nói: Trước đây, từ thời Bộ Thủy sản (cũ), ở các Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản có các tàu tuần tra, kiểm soát bảo vệ trên biển (vẫn gọi là tàu kiểm ngư), tuy nhiên những tàu này công suất nhỏ, chỉ hoạt động ven bờ, chịu được sóng gió cấp 4-5.

Hiện, đội tàu này đã cũ kỹ, lại không được thiết kế để tuần tra, kiểm soát; lực lượng kiểm ngư không được đầu tư đúng mức về con người, quyền xử phạt…

Sau khi có Luật thanh tra, đã sáp nhập thanh tra chuyên ngành Bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào các chi cục, sở, nên thời gian vừa rồi có nhiều gián đoạn, việc tuần tra, kiểm soát trên biển còn lơ là. Do vậy, vấn đề bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển và hỗ trợ cho ngư dân hoạt động trên biển hiện là việc làm hết sức quan trọng và cần kíp.

Thưa ông, tổ chức hoạt động, chức năng, nhiệm vụ chính của lực lượng kiểm ngư là gì?

Lực lượng kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, hỗ trợ cho việc quản lý nhà nước về biển, tăng cường kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, giám sát các hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển. Ở đây, không chỉ kiểm soát các hoạt động của ngư dân Việt Nam, như ngăn chặn việc dùng chất nổ, xung điện, hay đánh bắt trong các khu bảo tồn trên biển…

Ngoài ra, kiểm ngư còn phát hiện các tàu cá nước ngoài xâm phạm vào vùng biển chủ quyền Việt Nam, để bắt giữ và xử phạt. Sẵn sàng ứng cứu cho ngư dân Việt Nam trong lúc nguy nan, (bị tàu nước ngoài cướp bóc, đe dọa); đồng thời làm công tác cứu hộ, cứu nạn.

Kiểm ngư được tổ chức gồm ở cấp T.Ư, rồi đến các vùng, và đến chi cục ở các địa phương, tạo thành một hệ thống, mạng lưới. Để hỗ trợ ngư dân, lực lượng kiểm ngư cấp T.Ư sẽ phụ trách vùng biển xa, còn ven bờ là các lực lượng kiểm ngư địa phương.

Lực lượng Kiểm ngư sẽ được trang bị tàu, thiết bị ra sao?

Đầu tư cho một con tàu kiểm ngư, không giống như ô tô chạy trên đất liền, mà phải mất rất nhiều chi phí. Tất nhiên, tùy thuộc vào mức độ động của từng vùng biển để có lộ trình đóng những tàu cho phù hợp. Chẳng hạn, tàu hoạt động ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa phải công suất lớn, từ 2.000-3.000 CV, lượng giãn nước 700-1.000 tấn, có thể chịu được sóng gió cấp 7 đến 9, và hoạt động lâu dài trên biển được.

Còn khu vực ven bờ, ở các địa phương sẽ trang bị những tàu công suất nhỏ hơn. Đương nhiên, việc này phải có lộ trình, không thể đầu tư một lúc được. Như khu vực biển miền Trung, nơi có Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta phải đầu tư vào đây trước.

Lực lượng Kiểm ngư được trang bị như lực lượng kiểm lâm, có quyền xử phạt; được trang bị các công cụ hỗ trợ như vũ khí thô sơ, quân dụng...

Ngư dân ra khơi đang đứng trước nhiều mối rủi ro, nguy hiểm, trong đó có những đe dọa từ tàu cá nước ngoài, ông có khuyến cáo gì với ngư dân?

Bà con ngư dân không việc gì phải sợ khi đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Mặt khác, các lực lượng chức năng như biên phòng, hải quan, cảnh sát biển... đang tăng cường hoạt động để hỗ trợ cho bà con ngư dân một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, ngư dân ra khơi phải tuân thủ theo Luật Biển quốc tế, tránh xung đột trên biển, không vi phạm vào vùng biển của nước khác. Đồng thời, ngư dân nên hoạt động theo tổ, đội, nhóm 5-7 tàu, khi có tàu lạ xâm phạm, có thể cùng nhau bảo vệ, đấu tranh, đồng thời thông báo cho cơ quan chức năng Việt Nam ứng cứu.

Hiện lực lượng kiểm tra, kiểm soát của Việt Nam chủ yếu phát hiện và xua đuổi tàu thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh hải. Các trường hợp tàu nước ngoài bị ta bắt giữ thường chỉ bị lập biên bản, cảnh cáo và được phóng thích ngay trên biển.

 

Phạm Anh (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG