Rùa Hồ Gươm trong khu điều trị. |
Theo ông McCormack, rùa Hoàn Kiếm và rùa ở Đồng Mô và miền nam Trung Quốc cùng sống trên hệ thống sông Hồng, sông Mã ở Việt Nam và sông Dương Tử ở Trung Quốc, nên khó có khả năng rùa Hoàn Kiếm thuộc giống hoàn toàn khác. Hơn nữa, 2 cá thể rùa mai mềm ở Trung Quốc chưa có kết quả giám định gene, nên chưa thể khẳng định rùa Hoàn Kiếm thuộc giống riêng biệt.
Về vấn đề nhân giống, ông McCormack dẫn trường hợp rùa Lonesome George ở Ecudador (được tìm thấy năm 1972 và là cá thể cuối cùng của giống rùa lớn Pinta). Vì không tìm được con cái cùng giống giao phối nên nhiều chuyên gia cho rằng, giống này sẽ biến mất hoàn toàn khi cá thể cuối cùng chết đi. Tuy nhiên, một số cá thể rùa ở Ecuador vừa được tìm thấy lại có chung một nửa bộ gene với rùa Lonesome George. Vì thế, có khả năng rất nhỏ là giống rùa này sẽ được phục hồi một phần khi rùa Lonesome George được lai với họ hàng gần.
Hôm qua, một tờ báo Việt Nam dẫn lời TS Bùi Quang Tề, trưởng nhóm chẩn đoán và chữa trị rùa Hoàn Kiếm, nói rằng, 8 mẫu xét nghiệm cho thấy đây là một loài khác hoàn toàn so với loài rùa Thượng Hải mà các nhà khoa học đã công bố. Các kết quả xét nghiệm, đối chiếu với rùa Đồng Mô, rùa chùa Hương Tích, một số loài rùa dọc sông Hồng… cho thấy rùa Hoàn Kiếm là một loài mới.