Tuần trước, tờ New York Times đưa tin, một số quan chức phương Tây giấu tên đã gợi ý rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine trước khi ông rời nhiệm sở.
"Một số quan chức thậm chí còn gợi ý rằng ông Biden có thể trả lại những vũ khí hạt nhân mà Ukraine đã giao nộp sau khi Liên Xô sụp đổ. Đó sẽ là một biện pháp răn đe tức thời và to lớn. Nhưng một bước đi như vậy sẽ phức tạp và có những tác động nghiêm trọng", tờ báo viết.
Người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov. (Ảnh: Tass) |
Khi được hỏi về thông tin này, ông Peskov trả lời các phóng viên: "Đây là những lập luận hoàn toàn vô trách nhiệm của những người thiếu hiểu biết về thực tế. Cũng cần phải lưu ý rằng, tất cả những tuyên bố này đều ẩn danh".
Trước đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, nếu phương Tây cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine, thì Mátxcơva có thể coi việc chuyển giao như vậy tương đương với một cuộc tấn công vào Nga, tạo cơ sở cho một phản ứng hạt nhân.
Ukraine thừa hưởng vũ khí hạt nhân từ Liên Xô sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, nhưng đã từ bỏ chúng theo một thỏa thuận năm 1994 để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ Nga, Mỹ và Anh.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết vào tháng trước, rằng vì Ukraine đã bàn giao vũ khí hạt nhân nên việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là cách duy nhất để nước này có thể ngăn chặn Nga.
Khi được hỏi về nguy cơ leo thang hạt nhân, ông Peskov cho biết phương Tây nên "lắng nghe cẩn thận" những phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin và nghiên cứu học thuyết hạt nhân mới được cập nhật của Nga.
Giám đốc Tình báo đối ngoại Nga Sergei Naryshkin cho biết, Mátxcơva phản đối việc chỉ đơn giản là đóng băng xung đột ở Ukraine vì họ cần một "nền hòa bình vững chắc và lâu dài" để giải quyết những lý do cốt lõi của cuộc khủng hoảng.