Doanh nghiệp thận trọng khi vay ngoại tệ

Nhiều doanh nghiệp chọn cách vay USD rồi bán lấy VND
Nhiều doanh nghiệp chọn cách vay USD rồi bán lấy VND
TP - Tỷ giá trên thị trường tự do có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhưng nhiều tổ chức trong và ngoài nước dự báo năm 2011, Việt Nam có thể phải giảm giá đồng nội tệ từ 5 đến 7%. Áp lực giảm giá đồng nội tệ vẫn đang là nỗi lo của người dân và doanh nghiệp. Thị trường tiền tệ và tỷ giá sẽ diễn biến theo xu hướng nào?

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia dành cho Tiền Phong cuộc phỏng vấn về vấn đề này.

Nhiều doanh nghiệp chọn cách vay USD rồi bán lấy VND
Nhiều doanh nghiệp chọn cách vay USD rồi bán lấy VND . Ảnh: Hồng Vĩnh

Giảm lạm phát mới giảm được lãi suất

Ông từng nói "Tỷ giá, để bình ổn không có nghĩa là không thể điều chỉnh. Còn lãi suất, sẽ giảm khi áp lực lạm phát giảm". Vậy trong năm 2011, chính sách tiền tệ nên có bước đi thế nào cho phù hợp?

Để bình ổn được thị trường tiền tệ và tỷ giá, cần thực thi một số biện pháp như: Bỏ hẳn quy định về định mức cho vay tín dụng trong Thông tư 19, chuyển sang sử dụng công cụ truyền thống là dự trữ bắt buộc; yêu cầu dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ phải cao hơn nội tệ, lãi tiền gửi ngoại tệ thấp xuống, cho vay cao lên. Như vậy, dân thấy gửi và vay nội tệ có lợi hơn ngoại tệ; Phấn đấu giảm lạm phát. Lạm phát năm 2011 sẽ không căng như năm 2010…

Ông Lê Xuân Nghĩa
Ông Lê Xuân Nghĩa.

Tôi cho rằng từ tháng 3-2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể giảm mạnh nhờ giá lương thực giảm. Lạm phát giảm là yếu tố khả quan để lãi suất giảm, khả năng cuối quý 1, nửa đầu quý 2 giảm nhẹ và giảm mạnh từ đầu quý 3.

Ngoài ra, NHNN có thể phải can thiệp để giảm chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và chính thức. Tuy nhiên, thời điểm điều chỉnh cần khôn khéo để tránh phải điều chỉnh quá nhiều lần.

Trên thực tế, áp lực tăng tỉ giá là rất lớn trong dân cư. Standard &poor trong đánh giá về Việt Nam cũng đưa ra lý do quan trọng là áp lực của lạm phát lên tỉ giá rất lớn, đó là một trong những nguyên nhân chính để hạ điểm an toàn tài chính vĩ mô của Việt Nam.

Năm 2011 lạm phát thế giới có thể cao hơn. Việt Nam cũng đang đối mặt với thực tế sẽ tăng lương, điều chỉnh giá điện, than, xăng dầu. Việc kìm chế lạm phát liệu có thực hiện được khi bên cạnh những áp lực trên, còn canh cánh nỗi lo tỷ giá?

Tính toán năm 2010 giá các mặt hàng đã tác động tới CPI như sau: xăng dầu tác động làm tăng 1,1 - 1,4%; lương thực thực phẩm tăng 10% làm tăng CPI 2,6 - 3%; tỷ giá hối đoái tăng 10% tính ra trong ngắn hạn tác động tăng CPI là 1,35% còn về dài hạn sẽ là 7%.

Năm nay Thủ tướng đã quyết tâm sẽ điều chỉnh giá điện, tuy nhiên với cách tính CPI của Việt Nam tác động của điều chỉnh giá điện không lớn cho chỉ số giá (khoảng 1%). Hiện chúng ta đã nhập khẩu điện, kêu gọi tư nhân đầu tư điện, hiệu quả và có lợi hơn... Việc tăng giá xăng chưa rõ nhưng áp lực lớn, quý 3, 4 có thể buộc phải điều chỉnh giá xăng dầu vì khoản lỗ vượt xa quỹ bình ổn giá.

Như trên đã phân tích, tác động của giá xăng, điện vào CPI theo tính toán của chúng tôi chỉ 2 - 2,5%; có thể thấp hơn nếu doanh nghiệp và dân cư có ý thức mạnh mẽ trong tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng, đổi mới công nghệ. Tính toán cũng cho thấy, ngoài việc tăng tỷ giá tác động đến lạm phát như đã nêu trên, còn nhiều vấn đề khác, như vòng xoáy tỷ giá - lạm phát ngày càng nhanh, hiệu ứng có thể mạnh mẽ lên...

Vay ngoại tệ: doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ!

Hiện, các ngân hàng đang tăng huy động và lãi suất vay ngoại tệ, cùng lúc có xu hướng doanh nghiệp tăng vay USD rồi bán lấy VNĐ vì cho rằng lãi suất USD thấp, tỷ giá ổn định, nguồn cung dồi dào. Giả sử có sự điều chỉnh biên độ tỷ giá, doanh nghiệp nên làm thế nào để giảm thiểu rủi ro, thưa ông?

Hiện tượng tăng lãi suất tiền gửi ngoại tệ, trước hết là do tăng cầu ngoại tệ của doanh nghiệp. Việc tăng cầu ngoại tệ có nguyên nhân là vay ngoại tệ để tài trợ nhập khẩu vẫn rẻ hơn là mua ngoại tệ trên thị trường tự do rồi thanh toán cho khách hàng bằng tỷ giá do NHNN quy định.

Nói cách khác, chênh lệch lớn của tỷ giá chính thức và tự do là thủ phạm chính của tình trạng này. Nếu chênh lệch đó bị thu hẹp thì tình hình sẽ khác.

Ngoài ra, nếu tính kỹ trong điều kiện hiện tại, khi uy tín VND thấp (điểm rủi ro uy tín lên tới 4%) thì vay ngoại tệ vẫn có lợi hơn. Đây là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu kỹ để điều chỉnh thông qua các công cụ chính sách tiền tệ như dự trữ bắt buộc ngoại tệ cao, nội tệ thấp chẳng hạn.

Tất nhiên, các doanh nghiệp vay ngoại tệ với một kỳ vọng là tỷ giá hối đoái sẽ được điều chỉnh và chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và chính thức sẽ được thu hẹp lại. Vì vậy, vay vào lúc nào, trả ra sao, các doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ. Lãi suất và tỷ giá hiện nay có biểu hiện không bình thường cả về mức lẫn cấu trúc, vì vậy cần hành động để tạo lập trở lại tình trạng bình thường, trước khi kì vọng những thay đổi lớn hơn.

Khánh Huyền

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: ‘Chốt’ hạn tháo dỡ biệt phủ không phép; Bình Dương điều chỉnh bảng giá đất
Địa ốc 24H: ‘Chốt’ hạn tháo dỡ biệt phủ không phép; Bình Dương điều chỉnh bảng giá đất
TPO - Lý do lãi suất thấp nhưng vay mua nhà chưa cao; Chốt phương án tháo dỡ biệt phủ không phép của đại gia khoáng sản; Ninh Thuận chốt chủ đầu tư dự án khu đô thị hơn 7.700 tỷ đồng; Bình Dương điều chỉnh bảng giá đất, cao nhất 52,2 triệu đồng/m2;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 27/12.