Giá dừa xiêm uống nước đang tăng từng ngày
Thời điểm này, đi khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Bến Tre dễ dàng bắt gặp hình ảnh vườn dừa xơ xác, lá khô cong do sâu đầu đen tấn công. Sâu hại làm sản lượng, năng suất dừa trái sụt giảm mạnh, trong khi nhu cầu dừa cuối năm tăng cao và mở thị trường xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc, dẫn đến khan hàng, giá dừa Bến Tre hiện tăng khá cao so với vài tháng trước.
Giá dừa tươi ở Bến Tre đang tăng cao. |
Một thương lái chuyên thu mua dừa cho các vựa ở Bến Tre cho biết, giá dừa xiêm để uống nước đang tăng từng ngày. Theo người này, chỉ mới tuần trước ông vẫn còn mua được dừa tươi với giá hơn 6.000 đồng/trái, nay đã lên hơn 10.000 đồng/trái.
Theo ông Nguyễn Thanh Dũng - chủ một nhà máy chế biến dừa ở Bến Tre, mỗi tháng nhà máy của ông chế biến khoảng 70.000 trái dừa khô, tuy nhiên gần đây đã cố gắng nhờ thương lái lùng sục tìm hàng vẫn không mua đủ nguyên liệu cho sản xuất.
Ông Dũng kể, năm trước giá dừa khô xuống còn vài nghìn đồng/trái, hay chỉ 3 tháng trước giá dừa chỉ ở mức 6.000 đồng/trái. "Nhưng giờ tôi đang mua với giá hơn 10.000 đồng/trái vẫn không có đủ hàng", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, giá dừa tăng cao vì sản lượng quá thấp, nguyên nhân do dừa ở Bến Tre bị sâu bệnh và ảnh hưởng thời tiết dẫn đến sản lượng cho trái giảm mạnh. Ngoài ra, những năm trước giá dừa quá thấp nên nông dân không chăm sóc, dẫn đến cây suy kiệt, trái giảm.
Nhu cầu tăng cao, thị trường mở rộng
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Võ Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre - cho biết, toàn tỉnh có trên 1.000 ha dừa bị sâu đầu đen tấn công gây hại. Tới nay đã kiểm soát tốt dịch bệnh và phục hồi hơn 50% diện tích bị sâu tấn công.
Sâu đầu đen tấn công dừa tại Bến Tre làm chết lá, giảm năng suất. |
Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã dùng biện pháp sinh học tổng hợp để phòng trừ sâu đầu đen tấn công dừa. Đặc biệt, tỉnh đã thả trên 200 triệu con ong Habrobracon hebetor và Trichospilus pupivorus để ngăn sâu đầu đen. Ong ký sinh sau khi được thả ra môi trường tự nhiên sẽ ký sinh trên sâu đầu đen và tấn công chúng cả ở giai đoạn nhộng, sâu non nhằm ngăn chặn sự lan rộng của loại sâu gây hại dừa này.
Ông Nam nhìn nhận, sâu đầu đen tấn công làm năng suất dừa giảm, cũng là một phần nguyên nhân khiến giá dừa tăng. Theo ông Nam, hiện dừa tươi đã được Trung Quốc cho phép nhập chính ngạch, dù lượng dừa tươi xuất khẩu chính ngạch chưa nhiều do Trung Quốc đang vào mùa đông lạnh, nhu cầu chưa cao, nhưng cũng mở ra thị trường và tác động lên giá dừa tươi.
Hiện tại, dừa tươi Bến Tre có trên 9.000 ha đã được cấp mã số vùng trồng và mã đóng gói đủ điều kiện xuất chính ngạch sang Trung Quốc. “Cấp mã số vùng trồng cho dừa tươi mới đạt gần 50% diện tích, còn khoảng 9.000 - 10.000 ha dừa tươi của tỉnh tiếp tục được xem xét cấp mã số”, ông Nam nói.
Ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre - cho biết, sản phẩm dừa xiêm xanh Bến Tre đã được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý. Toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tháng 10 vừa qua, lô dừa tươi Bến Tre đầu tiên đã được vận chuyển xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự tính, với thị trường Trung Quốc, nếu tận dụng tốt việc xuất khẩu chính ngạch, dừa tươi có thể sớm đạt mốc 1 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian ngắn sắp tới.
Bến Tre được mệnh danh “thủ phủ dừa”, với diện tích trên 80.000 ha, chiếm 88% diện tích dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước. Cây dừa được xác định là cây trồng chủ lực, tạo thu nhập cho hơn 200.000 hộ dân khu vực nông thôn của tỉnh.
Hàng trăm héc ta dừa bị sâu đầu đen gây hại tại Bến Tre. |
Tại diễn đàn "Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa" diễn ra ngày 13/12 tại Bến Tre, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam - cho biết, ngành chế biến dừa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, nhà máy tại Bến Tre nhưng lượng cung dừa của tỉnh không đủ cho tất cả hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng với công suất chỉ đạt 10-15%.