Cần quy hoạch lại hệ thống giáo dục

Cần quy hoạch lại hệ thống giáo dục
TP - “Chuyển đổi hệ thống giáo dục là một việc khó, là cả một sự cấu trúc lại. Điều chỉnh một cách nghiêm túc, nghiêm khắc phải mất cả chục năm, không thể nhất thời làm ngay được hay phá bỏ đi được. Nhưng, nếu không làm, chúng ta sẽ luẩn quẩn thế này mãi”.

> Đổi mới giáo dục, chấn hưng khoa học, cơ hội sẽ đến

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục - Thanh Thiếu Niên & Nhi đồng của Quốc hội, nói như vậy.

“Chúng ta đang thiếu trường có chất lượng”. Ảnh: Hồng Vĩnh
“Chúng ta đang thiếu trường có chất lượng”. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Năm 2011, ngành GD&ĐT có nhiều diễn biến thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt về cuối năm với một loạt động thái chấn chỉnh khu vực ngoài công lập. Theo ông, ngành GD&ĐT có đang đi đúng hướng hay không?

Theo tôi, ngành GD&ĐT đang đứng trước 2 vấn đề, nếu giải quyết được dứt điểm 2 vấn đề đó thì mới có thể nói là đi đúng hướng.

Thứ nhất, chất lượng giáo dục đang nằm ở tình trạng báo động ở tất cả các cấp học, chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Thứ hai, mạng lưới cơ sở giáo dục chưa hợp lý và chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân.

Mặc dù ngành GD&ĐT đã đạt được những thành tích nhất định trong việc xã hội hóa (XHH), đặc biệt trong việc hình thành các khu vực ngoài công lập (NCL), nhưng đã bắt đầu có hiện tượng chưa hợp lý. Đáng lẽ khu vực NCL phải đáp ứng nhu cầu học tập với chất lượng cao hơn chất lượng của những trường học bình thường để người dân sẵn sàng trả chi phí cao hơn để học trường NCL. Nhưng ở ta NCL chất lượng kém hơn khu vực Công lập (CL) dẫn đến nghịch lý người học phải trả tiền cao hơn nhưng phải học tập với chất lượng kém hơn.

Đi liền với sự bất hợp lý về hệ thống là việc điều phối người học vào các cơ sở đào tạo cũng không giải quyết được. Với cấp ĐH còn bám vào việc tổ chức 1 kỳ thi, người học có đầu vào kém thì phải học NCL nhưng học phí cao hơn… Ở mầm non, ai cũng chạy vào công lập dẫn đến chuyện tiêu cực, phải xếp hàng từ sớm, chạy chọt, thân quen…

Vậy làm thế nào để giải quyết được hai vấn đề kể trên?

Chúng ta đang nói về quy mô và chất lượng cả 2 đều cần được giải quyết nhưng phải đặt chất lượng là tiên quyết. Chính vì vậy, phải phát triển quy mô trong khuôn khổ đảm bảo chất lượng. Muốn đảm bảo chất lượng thì phải đẩy nhanh các hoạt động kiểm định chất lượng như đã nói nhiều lần mới có thể giúp xã hội đánh giá đúng chất lượng của các cơ sở GD& ĐT.

Trong vấn đề quy mô, cần phải giải quyết quan hệ giữa trường CL và trường NCL. Với hệ thống như hiện nay, cần phải có một sự điều chỉnh lớn theo hướng nâng cao chất lượng. Muốn làm được như vậy, phải có nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn, khác với các nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện nay chỉ nhăm nhăm thu hồi vốn.

Về ngân sách dành cho GD&ĐT, nhà nước cần có chính sách sử dụng hỗ trợ hợp lý. Hỗ trợ từ ngân sách và giáo dục cần vào 2 mảng chính: giáo dục đại trà đảm bảo nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân không có điều kiện kinh tế và hỗ trợ giáo dục nhân tài, chứ không nên phải dàn trải như hiện nay.

Với khu vực NCL, Nhà nước hỗ trợ bằng chính sách tín dụng, đất đai thuế, để khu vực này có được một định hướng phát triển đúng đắn, mang lại chất lượng giáo dục (chuyên môn) cao hơn và chất lượng dịch vụ chăm sóc người học cao hơn.

Chuyển đổi hệ thống hiện có theo định hướng trên là một việc khó, là cả một sự cấu trúc lại. Điều chỉnh lại một cách nghiêm túc, nghiêm khắc phải mất cả chục năm, không thể nhất thời làm ngay được hay phá bỏ đi được. Nhưng, nếu không làm, chúng ta sẽ luẩn quẩn thế này mãi.

Ông Đào Trọng Thi
Ông Đào Trọng Thi.

Trong quá trình cấu trúc lại, có nên tiếp tục mở trường?

Nên tiếp tục mở trường vì trường học hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân. Chúng ta hiện không thừa trường nhưng thiếu trường có chất lượng. Nếu mở trường, phải kiên quyết đảm bảo chất lượng. Đặt ra điều kiện về chất lượng và kiểm tra các điều kiện là trách nhiệm của ngành GD&ĐT.

Các trường đại học hiện có sẽ nâng cao chất lượng thế nào khi một điều kiện đảm bảo chất lượng là giảng viên nhất là ở khu vực NCL đang rơi vào tình trạng khủng hoảng?

Điều kiện để đảm bảo chất lượng thì nhiều nhưng có 3 điều kiện quyết định: giảng viên (GV), cơ sở vật chất và kinh phí thường xuyên để đầu tư vào tổ chức các hoạt động đào tạo. Bộ đã chọn đúng 2 điều kiện để xác định chỉ tiêu tuyển sinh là tỷ lệ SV/GV và diện tích sàn/ SV. Nếu áp dụng một cách nghiêm túc, tôi chắc rằng nhiều trường sẽ phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo chỗ tôi biết, nhiều trường NCL đang phải tuyển nhanh giảng viên cho đủ số lượng theo quy định để giữ được quy mô của mình. Mấy động thái vừa qua của Bộ là rất tích cực và mọi việc đang vận động theo chiều hướng tốt lên.

Tuyển vội vàng giảng viên liệu có đảm bảo chất lượng?

Dù tuyển thế nào thì cũng phải theo quy định. Bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ mới đảm bảo chất lượng, các trường có đánh trống ghi tên không… là trách nhiệm của cơ quan giám sát.

Ông nhận xét thế nào về chủ trương tuyển sinh vừa được đưa ra khi mùa thi đang đến gần?

Ý tưởng đổi mới là đáng hoan nghênh nhưng tất cả phải tính toán một các cẩn trọng và cần thời gian, không nên vội vàng vì vấn đề liên quan và ảnh hưởng đến hàng triệu con người. Thêm khối tuyển để phù hợp hơn không có gì là ghê gớm; in hay không in cuốn cẩm nang Những điều cần biết trong tuyển sinh cũng cần được tính toán để thông tin đến được với từng thí sinh ở vùng khó khăn không tiếp cận được internet; thời gian tuyển dài hơn để thí sinh và các trường có nhiều cơ hội hơn…

Tất cả cần được nghiên cứu, thí điểm, báo trước và cẩn trọng; ví dụ cuốn cẩm nang, không nhất thiết là Bộ phải đứng ra in, có thể là một cơ quan nào đó vì đây là tài liệu mang tính dịch vụ chứ không phải là quy định chính thức của nhà nước. Mọi việc phải có thời gian, có lộ trình, nếu vội vàng, ý tưởng dù có tốt mấy cũng sẽ thất bại!

Hồ Thu thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG