Yêu cầu công nhân đảm bảo sản xuất, chấp hành pháp luật

Yêu cầu công nhân đảm bảo sản xuất, chấp hành pháp luật
TP - Ngày 14/5, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có công văn yêu cầu Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố và công đoàn các cấp yêu cầu tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức người lao động xung quanh việc phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo nước ta.

Công văn nêu: Cùng với các tầng lớp nhân dân, công nhân lao động ở khắp nơi, bằng nhiều cách thức khác nhau, đã tham gia biểu thị lòng yêu nước, phản đối hành động gây hấn, nguy hiểm của Trung Quốc. Tuy nhiên, tại một số địa phương, công nhân lao động đã có các hành động quá khích như tự ý bỏ việc, đập phá nhà xưởng, trang thiết bị... Đây là hành động không đúng pháp luật, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống công nhân lao động.

Trước tình hình này, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu LĐLĐ các tỉnh, thành phố; công đoàn (CĐ) ngành trung ương, CĐ các tổng công ty và các cơ quan báo chí trong hệ thống CĐ khẩn trương thực hiện một số công việc: Chủ động báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương khi có những hành động quá khích của công nhân; tổ chức các hoạt động tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế để CNLĐ hiểu đúng tình hình, có hành động đúng đắn, đồng thời bảo đảm hoạt động sản xuất - kinh doanh, chấp hành tốt pháp luật.

Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu khi có công nhân tham gia các hành động quá khích, LĐLĐ các địa phương và công đoàn các cấp phải nắm bắt tình hình, báo cáo kịp thời, hàng ngày về Tổng LĐLĐ Việt Nam.

* Bình Dương ra thông cáo về việc công nhân diễu hành

Sáng 14/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương ra thông cáo báo chí cho biết về tình hình công nhân tham gia diễu hành tại tỉnh này trong hai ngày 12-13/5 vừa qua.

Theo lãnh đạo tỉnh này, trước tình hình Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, khoảng 16 giờ ngày 12/5, tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ở tỉnh này có 500 công nhân của các công ty trong khu công nghiệp mang theo cờ, biểu ngữ đi trong đường nội bộ của khu công nghiệp. “Sau đó 3 tiếng, số công nhân này tự giải tán”- thông cáo nói rõ.

Sáng 13/5, khoảng 800 công nhân lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Thuận An kết hợp với 8.000 công nhân ở Công ty giày Thông Dụng mang theo cờ và biểu ngữ diễu hành trên các tuyến đường của khu công nghiệp VSIP 1 để phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc. “Lúc đầu diễu hành diễn ra ôn hòa nhưng đến khoảng 9 giờ sáng thì một số công nhân kích động, phá cổng các doanh nghiệp đột nhập vào bên trong yêu cầu chủ doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc đồng thời lôi kéo công nhân tham gia tuần hành”- lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương thông tin.

Theo thông cáo, số người tham gia ngày càng đông, tổng số hơn 19 nghìn người tuần hành qua các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản… lôi kéo công nhân nghỉ làm việc tham gia diễu hành. Theo thông tin từ tỉnh Bình Dương, một số đối tượng kích động công nhân đập phá tường rào và tài sản doanh nghiệp, gây mất an ninh trật tự. “Thậm chí một số đối tượng lợi dụng sự hỗn loạn để cướp tài sản, đốt nhà xưởng và hành hung bảo vệ cũng như chuyên gia”- thông cáo cho hay.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo ổn định tình hình. Đồng thời yêu cầu mọi người tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không tin và nghe lời xúi giục của kẻ xấu dẫn đến vi phạm pháp luật.

* Hàng trăm người quá khích bị bắt giữ

Chiều qua 14/5, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết lực lượng chức năng tỉnh này đã bắt giữ hơn 450 người có hành động quá khích, kích động các công nhân đập phá tài sản của doanh nghiệp. Cùng ngày, TPHCM và tỉnh Đồng Nai cũng bắt giữ 186 người có hành vi tương tự.

Huy Thịnh-Lê Nguyễn - Song Nguyễn
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.