TP HCM kêu gọi công nhân tỉnh táo, tránh bị kích động

"Chúng ta phản đối chính quyền Bắc Kinh chứ không chống lại nhân dân Trung Quốc cũng như các doanh nhân nước này đang làm ăn chân chính tại Việt Nam", Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM nói.

Sáng 14/5, nhiều công ty ở Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân, TP HCM) đóng cửa, dán thông báo “tạm nghỉ”, sau khi hàng nghìn công nhân đồng loạt xuống đường phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

TP HCM kêu gọi công nhân tỉnh táo, tránh bị kích động ảnh 1

Trong số những người tuần hành phản đối Trung Quốc có không ít người quá khích. Ảnh: VnExpress

Theo ghi nhận của VnExpress, ngay từ sáng sớm, hàng nghìn công nhân của các công ty ở đây với cờ Tổ quốc, biểu ngữ đã chạy xe tuần hành, phản đối Trung Quốc. Từng tốp công nhân vài chục, có lúc vài trăm người chạy dọc các con đường nội bộ trong Khu công nghiệp, quốc lộ 1, số 7, Tên Lửa, đường Kinh Dương Vương. Trong đám đông có nhiều thanh niên quá khích, kích động công nhân xông vào các công ty hô hào phản đối, xô cửa rào xông vào trong nhưng bị ngăn chặn. Lo sợ bị đập phá, các công ty treo cờ Tổ quốc, băng rôn “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”, “công ty chúng tôi ủng hộ Việt Nam”, hoặc “công ty 100% vốn Việt Nam"…

Hơn 12h trưa, dưới trời nắng gắt, đoàn diễu hành bị chia ra thành nhiều nhóm nhỏ dẫn qua đường Hậu Giang (quận 6), Trần Đại Nghĩa (Bình Chánh)… và kéo dài đến chiều. Đến khoảng 15h, nhóm vài chục công nhân bất ngờ xô hàng rào vào công ty Nguyên Phát la lối. Sau khi được bảo vệ lý giải đây là công ty của Việt Nam và treo cờ Tổ quốc, băng rôn “Trường Sa là của Việt Nam”, nhóm công nhân quá khích bỏ đi.

“Các cuộc diễu hành đã xuất hiện từ hôm trước nhưng các công nhân không quá manh động như hôm nay. Chúng tôi ủng hộ công nhân diễu hành phản đối Trung Quốc nhưng họ cần phải ôn hòa”, vị đội trưởng bảo vệ công ty chia sẻ.

Đề phòng những trường hợp quá khích như đã xảy ra ở Bình Dương hôm qua, ngay từ sáng sớm, hàng trăm công an, cảnh sát 113 chốt chặn trước cổng các ngả đường như Kinh Dương Vương, Hồ Học Lãm, số 7, Tên Lửa (quận Bình Tân)… trước cổng các công ty. Trước công ty Pou Yuen (100% vốn Đài Loan), lo sợ người dân quá khích đập phá nhà xưởng, lực lượng công an túc trực dày đặc ở nhiều cổng ra vào. Đến chiều tối, công an vẫn canh phòng ở nhiều nơi quanh Khu công nghiệp.

TP HCM kêu gọi công nhân tỉnh táo, tránh bị kích động ảnh 2

Công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo (TP HCM) xuống đường biểu tình phản đối hành động đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: VnExpress

Trao đổi với VnExpress, ông Cù Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn Công ty Pou Yuen Việt Nam, nơi có hàng nghìn công nhân đã xuống đường diễu hành phản đối Trung Quốc từ hôm 13/5 - cho biết, trước sự việc căng thẳng, phía công ty sẽ tiếp tục nghỉ làm thêm ngày 15/5. "Trước mắt công ty thông báo nghỉ thêm một ngày, còn khi nào làm lại vẫn chưa rõ, có thể phải chờ tình hình”, ông Nghiệp nói.

Liên quan đến vụ việc, bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM cho biết, trong hai ngày qua có nhiều công nhân đang làm việc trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc, Đài Loan đóng trên địa bàn đã ngừng việc, tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Trong bối cảnh đó cũng đã xuất hiện tình trạng kẻ xấu lợi dụng, kích động công nhân gây rối làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp.

Theo bà Thu, cán bộ công đoàn và anh chị em công nhân phải phân biệt rạch ròi giữa hành động gây hấn của nhà cầm quyền Trung Quốc với đại đa số người dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình và lẽ phải. "Chúng ta phản đối hành động xâm lược của nhà cầm quyền Bắc Kinh chứ không chống lại nhân dân Trung Quốc cũng như các doanh nhân Trung Quốc đang làm ăn chân chính tại Việt Nam”.

Người đứng đầu tổ chức công đoàn TP HCM cho rằng các nhà đầu tư Trung Quốc nói riêng và các quốc gia khác nói chung đến Việt Nam đã và đang góp phần đóng góp cho ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động Việt Nam. Nếu để họ bị thiệt hại, phá sản thì sẽ ảnh hưởng xấu đến chính sách thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Đặc biệt, nếu các nhà máy ngừng hoạt động, người lao động sẽ mất việc làm, thất nghiệp, đời sống sẽ vô cùng khó khăn.

Vị Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM kêu gọi anh chị em công nhân hãy đồng lòng, tỉnh táo, cảnh giác trước sự kích động, gây bất lợi cho việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời bà nhận định việc gây rối, đập phá, cướp bóc tài sản của doanh nghiệp không chỉ đi ngược lại phẩm chất tốt đẹp của công nhân Việt Nam mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

"Hơn lúc nào hết, chúng ta cần khối đại đoàn kết toàn dân, cần sự ủng hộ của bè bạn quốc tế trong đó có nhân dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình. Anh chị em công nhân đừng vì những phút nóng vội, thiếu kềm chế mà làm ảnh hưởng đến đại cuộc của dân tộc", bà Nguyễn Thị Thu nói.

Trong hai ngày qua, hàng chục nghìn công nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều kẻ kích động đã lợi dụng, xúi giục công nhân đốt nhà xưởng, hành hung bảo vệ và chuyên gia của nhiều doanh nghiệp gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Đến chiều 14/5, Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã bắt giữ hơn 400 người tham gia đập phá trong cuộc biểu tình.

Theo An Nhơn - Trung Sơn

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG