Kỳ I: Tiếng kêu của bệnh nhân nghèo khổ
Một trưa nắng gắt giữa tháng 3/2016, hai bệnh nhân suy thận mạn từng được chọn ứng dụng kỹ thuật thẩm phân phúc mạc đầu tiên tại bệnh viện tỉnh Đắk Lắk tìm đến Ban Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, cầm theo lá đơn có nhiều chữ ký của các bệnh nhân suy thận, đồng kêu cứu. Da dẻ tái xám, môi thâm tím, cả hai ông bà thều thào: Xin nhà báo lên tiếng giúp. Nếu không được chữa trị tại đây, chúng tôi đành chết sớm vì không đủ sức lết vô Sài Gòn tái khám hoài nữa.
Đó là thương binh Nguyễn Thị Lương 63 tuổi, thời trẻ là trung sĩ quân y ở Cục hậu cần 559. Và ông Lê Thiện Dũng 62 tuổi thường dân chuyên nghề làm bánh trung thu. Hai người cùng suy thận mạn, cùng là “cây đốt tiền của cả nhà”. Mỗi tháng chồng già của bà, vợ già của ông cùng phải long đong xe đò, đưa ông Dũng bà Lương bụng óc ách đầy dịch lọc từ Đắk Lắk vào TP Hồ Chí Minh. Xe khởi hành từ 9-10 h đêm, 4-5h sáng tới bến xe miền Đông, đôi vợ chồng già dắt dìu nhau vào Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, vật vờ chờ đến lượt thăm khám, nhận thuốc và 120 lít dịch lọc máu/ người đem về.
Năm 2015, khoa Thận nhân tạo BV Đa khoa (ĐK) Đắk Lắk ước tính số bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần điều trị lọc máu chu kỳ tại Đắk Lắk khoảng 600-800 người. Tổng máy chạy thận nhân tạo đặt tại BV tỉnh và BV thành phố Buôn Ma Thuột khi lành khi hỏng khoảng 40 chiếc, tiếp nhận được chưa tới phân nửa số bệnh nhân nguy cấp. Danh sách chờ được chạy thận nhân tạo riêng tại BV tỉnh lên đến gần 200 người. Trong khi chờ, họ đành chịu chết hoặc phải xin lọc máu ở BV khắp các tỉnh thành khác trên cả nước, cứ mỗi người bệnh một thân nhân đi kèm, rất tốn kém, khốn khổ. Một bác sĩ kể: Sự thật tàn nhẫn mà chúng tôi buộc phải cho họ biết, là người này chết đi, thì mới có chỗ cho người khác vào. Vì khi đã phải chạy thận nhân tạo, thì sự sống bệnh nhân sẽ lụi tàn dần, chứ không khỏe lại được, trừ khi được ghép thận.
Lãnh đạo BV tỉnh đã đề nghị lãnh đạo BV Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật thẩm phân phúc mạc để BV tỉnh điều trị cho bệnh nhân suy thận mạn tại Đắk Lắk, nhằm giúp BV giảm áp lực quá tải, giúp bệnh nhân tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc, công sức vì sau khi được phẫu thuật và hướng dẫn tỉ mỉ, họ sẽ tự thực hiện được việc lọc máu hàng ngày tại nhà.
Không thiếu tiền, sao không làm được?
Về phía BV Chợ Rẫy, hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng là nhiệm vụ đã được Bộ Y tế phân công. Đầu tháng 9/2015, hai bệnh nhân được chọn để ê kíp bác sĩ Chợ Rẫy mổ chuyển giao kỹ thuật, là bà Lương và ông Dũng. Phẫu thuật xong, hằng tháng ông bà được BV cấp mỗi người 120 lít dịch về nhà tự truyền dịch thay máu, mỗi ngày 4 lần, rất mừng vui vì khỏe ra và đỡ cực hơn trước. Nhưng chỉ suôn sẻ 2 tháng. Tới tháng thứ ba thì bệnh viện cho biết, vì nhiều lý do, BV chưa được bảo hiểm y tế chấp nhận thanh toán cho 2 ca thử nghiệm này, nên từ nay ông bà hàng tháng phải xuống nhận thuốc và dịch truyền tại BV Chợ Rẫy.
Bà Lương giở cho tôi xem bụng bà chướng to vì vừa truyền 4 lít dịch vào, mà tối nay phải nằm xe đò cả đêm, kể: Sức thì kiệt rồi mà còn phải chịu đựng nỗi căng tức ấm ách này suốt mấy trăm cây số đi Sài Gòn tái khám, cực chỉ muốn chết! Ông Dũng cũng thở than, gia đình ông đành phải bán căn nhà của con gái duy nhất, vì đi lại tốn kém quá, dù mọi tiêu dùng đã tính toán chi ly toàn chọn thứ rẻ nhất. Các bác sĩ Chợ Rẫy cứ nhìn thấy ông bà đùm túm lếch thếch tới, là lại thắc mắc: Trên đó được chuyển giao kỹ thuật rồi, sao không làm tại chỗ, mà bắt bệnh nhân xuống đây?
Làm việc với phóng viên, ông Trương Văn Sáng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh khẳng định chưa bao giờ từ chối chi trả cho bệnh nhân thẩm phân phúc mạc nào tại Đắk Lắk. Ông nói: BHXH quản lý quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng tổ chức khám chữa bệnh, mua thuốc và vật tư như thế nào là trách nhiệm tổ chức, điều hành của Sở Y tế Đắk Lắk (SYT). Mấy năm vừa rồi, năm nào BHYT tỉnh cũng kết dư tiền chuyển về trung ương. Ông gọi BS Kim Liên phụ trách theo dõi quỹ BHYT lên báo cáo: Năm 2013, quỹ BHYT tỉnh kết dư hơn 153,8 tỷ đồng; năm 2014 kết dư hơn 93,8 tỷ; năm 2015 kết dư hơn 91,1 tỷ...
Lãnh đạo sở bất đồng, dân khổ
Tôi hỏi bác sĩ Bùi Trường Phong, Phó Giám đốc Sở YT Đắk Lắk, kiêm Giám đốc BV ĐK tỉnh và bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ Sở YT Đắk Lắk: “Vì sao Đắk Lắk đã mời được các BS BV Chợ Rẫy lên chuyển giao kỹ thuật thẩm phân phúc mạc, mà bỏ dở nửa chừng, trong khi BHYT thừa tiền”?
BS Phong giải thích: BV thiếu mặt bằng, thiếu nhân lực, nhất là điều dưỡng, vì đã 4 năm rồi Sở TY không tổ chức tuyển dụng điều dưỡng cho bệnh viện. Trước khi mời các bác sĩ BV Chợ Rẫy lên chuyển giao kỹ thuật, BV tỉnh đã lường trước nhưng vì thương bệnh nhân quá khổ, anh em cố gắng. Tuy nhiên, vào cuộc rồi mới thấy nhiều chuyện không xử lý nổi, lực bất tòng tâm, không khéo lại đưa thân ra chuốc vạ!
BS Huyên thì khẳng định: Do BV tỉnh chưa hoàn tất quá trình chuyển giao và báo cáo nghiệm thu, nên Sở chưa duyệt! Điều lạ là ngoài cương vị giám đốc bệnh viện tỉnh, bác sĩ Bùi Trường Phong còn là một trong 3 phó giám đốc Sở YT, vì sao những vướng mắc khó khăn của BV tỉnh trong việc triển khai kỹ thuật thẩm phân phúc mạc cho bệnh nhận suy thận mạn tại Đắk Lắk không được Ban giám đốc Sở YT tạo điều kiện giải quyết thấu đáo? Tìm hiểu từ nhiều nguồn tin khác nhau về vấn đề này, được biết nội bộ lãnh đạo Sở đang có nhiều bất đồng. Nhất là vấn đề tuyển dụng và điều chuyển nhân lực, phân bổ kinh phí. Giám đốc Sở YT Doãn Hữu Long hầu như chỉ trao đổi với trưởng phòng tài chính kế toán để tự quyết chứ không bàn bạc gì với các phó giám đốc.
Báo Tiền Phong ngày 9/3/2016 đã đăng bài “Chỉ đạo lần thứ ba về điều chuyển cán bộ vẫn chưa xong”, phản ánh việc lãnh đạo tỉnh 3 lần ra công văn chỉ đạo (trong đó CV số 335 ra sau cùng) về vấn đề này, mà tới thời điểm báo phản ánh, Sở Y tế Đắk Lắk vẫn chưa chấp hành chỉ thị điều chuyển kế toán trưởng Nguyễn Hữu Thông, người bị nhiều đơn thư tố cáo có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Đến chiều ngày 14/3/2016, ông Long mới triệu tập 3 phó giám đốc Sở cùng họp và chủ trì bàn việc này, được biết, ông Thông chỉ muốn chuyển sang phòng Tổ chức hoặc Thanh tra. Cả 3 phó giám đốc Sở không đồng ý, thế là cuộc họp không có kết luận! Chiều 23/3/2016 trao đổi với đại diện báo Tiền Phong, ông Bùi Hồng Quý chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết, vẫn chưa nhận được báo cáo nào từ lãnh đạo Sở về việc chấp hành chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh theo CV 335.
Với diễn biến như vậy, có lẽ, lý do cơ bản nhất khiến dân kêu khổ không ngừng, là vì lãnh đạo Sở chưa từng quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện cho BV tỉnh thực hiện hoàn tất phần việc dở dang này. Cả 3 bên liên quan gồm Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh chưa từng cùng ngồi bàn bạc cứu giúp hàng trăm bệnh nhân suy thận tỉnh nhà đang lang thang khắp chốn, mà nhiều người trong số họ vừa gặp nhau tại BV Chợ Rẫy để đồng ký đơn gửi về tỉnh, đồng gửi báo Tiền Phong, khẩn khoản xin lãnh đạo tỉnh cho triển khai kỹ thuật thẩm phân phúc mạc tại Đắk Lắk.