Vừa chợp mắt sau hành trình kéo dài xuyên đêm từ TPHCM để về đến Quảng Ngãi, Phạm Ngọc Thuận và Võ Văn Công (cùng trú thôn 3, xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi) thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng cả hai đã đặt chân về tới mảnh đất quê hương.
Sau Tết, Thuận và Công cùng hàng chục nghìn người dân Quảng Ngãi rời quê vào TPHCM để mưu sinh. Trong những chuyến xe ly hương, không ai nghĩ sẽ về nhà vào thời điểm này. Thuận và Công cũng vậy, nhất là khi trong túi cả hai chỉ còn ngót nghét vài trăm nghìn đồng.
Nhiều năm qua, cả hai làm cơ khí ở TPHCM. Hai tháng nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên xưởng cơ khí nơi Thuận và Công làm việc buộc phải đóng cửa. Mất công ăn việc làm, cả hai ráng bám trụ lại thành phố hòng tìm kiếm công việc khác nhưng cũng bấp bênh. Từ đó, Thuận và Công nuôi ý định hồi hương.
Thuận và Công thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng cả hai đã đặt chân về tới mảnh đất quê hương. |
Mới đây, khi nghe thông tin tỉnh Quảng Ngãi ngừng đón công dân từ 00 giờ ngày 1/8, cả hai quyết định đi làm xét nghiệm COVID-19. Đến 10 giờ ngày 31/7, hai chàng trai bắt đầu khởi hành, đi ghép cùng với đoàn xe tỉnh Bình Thuận rời khỏi địa phận TPHCM.
Vượt quãng đường dài hơn 800 km từ TPHCM để về đến Quảng Ngãi trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, là một quyết định khá liều lĩnh. Nhưng cả Thuận và Công vẫn quyết định tìm về quê.
“Dọc đường đi, hai anh em luân phiên cầm lái để đỡ mệt. Nhưng rồi xe chạy gần tới khu vực Đèo Cả thì bị thủng lốp. Hàng quán xung quanh không có. Loay hoay một lúc lâu thì được một đồng hương cũng đang tức tốc chạy xe về quê dừng lại vá giúp. Vội quá nên cũng không kịp hỏi tên ân nhân”, Thuận chia sẻ.
Tạm yên tâm khi về tới quê hương, ruột gan của anh Nguyễn Thanh Hầu vẫn trông ngóng ngày trở lại Bình Dương. |
Công và Thuận về tới chốt Bình Đê, xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ lúc đồng hồ đã điểm 0 giờ 15 phút ngày 1/8. “Lực lượng kiểm dịch nói với tụi em là có biết quá giờ rồi không? Lúc này, tụi em giãi bày do bị hư xe dọc đường nên về chậm 15 phút. Năn nỉ mãi rồi cũng được cho vào khu vực chờ đưa đi cách ly”, Võ Văn Công vui mừng kể lại.
Đến sáng 1/8, ở khu vực chờ đi cách ly tập trung tại chốt kiểm dịch đèo Bình Đê đã thưa vắng, khác hẳn tình trạng đông đúc, quá tải như những ngày trước. Ở một góc nhỏ, đại gia đình gồm 9 thành viên (4 trẻ nhỏ, 5 người lớn) vừa kết thúc hành trình dài trở về từ Bình Dương bằng xe máy. Người thì nằm lăn ra đất nghỉ ngơi, người thì tranh thủ đút cháo cho các cháu nhỏ ăn để lại sức.
Anh Nguyễn Thanh Hầu (41 tuổi, thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) cho biết, gia đình anh vào Bình Dương bán hủ tiếu 6 năm rồi. Dịch bùng dữ quá nên không bán buôn gì được. Cả ngày không được ra ngoài, muốn đi chợ phải có chủ trọ đưa cho cái thẻ mới được đi. Từ ngày dịch bùng phát, bao nhiều tiền bạc dành dụm từ đầu năm đến giờ cũng tiêu hết nên cả nhà phải chở nhau về quê tránh dịch.
Có những lúc, anh Hầu tưởng như mẹ của mình là bà Ngô Thị Diệp (81 tuổi) không chịu đựng nổi hành trình dài về quê. |
Hành trình hồi hương của đại gia đình 9 người của anh Hầu đèo nhau trên 3 xe máy trên một quãng đường dài và phải tốn rất nhiều thời gian so với những trường hợp về quê khác. Bởi lẽ có người già và trẻ nhỏ hễ cứ đi một đoạn là phải dừng lại nghỉ. Có những lúc, anh Hầu tưởng như mẹ của mình là bà Ngô Thị Diệp (81 tuổi) không chịu đựng nổi.
Nhiều người tạm chợp mắt sau chuyến đường dài xuyên đêm để về Quảng Ngãi. |
Chiều 1/8, ông Võ Phiên - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ 00 giờ ngày 1/8, tỉnh ngưng tiếp nhận công dân người Quảng Ngãi về từ các tỉnh, thành phố đang có dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt, lỡ chuyến thì vẫn được tiếp nhận, đưa đi cách ly tập trung. Trong sáng 1/8, tỉnh đã giải quyết cho khoảng 20 trường hợp như thế.