Xung đột Nga - Ukraine ngày 22/9: Nga tuyên bố không tham dự hội nghị hòa bình lần hai của Ukraine

TPO - Nga không có kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần hai do Ukraine tổ chức vào cuối năm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết.
Xung đột Nga - Ukraine ngày 22/9: Nga tuyên bố không tham dự hội nghị hòa bình lần hai của Ukraine ảnh 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. (Ảnh: Reuters)

Hôm 20/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi phương Tây ủng hộ Kiev hết mức có thể trong việc tổ chức hội nghị hòa bình nhằm chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột vào năm 2024. Lãnh đạo Ukraine trước đó nói rằng, ông muốn Nga "tham gia bàn đàm phán" vì cộng đồng quốc tế ủng hộ ý tưởng này. Vào cuối tháng 8, ông cũng gợi ý Ấn Độ - một quốc gia tự nhận là trung lập - có thể đăng cai tổ chức hội nghị.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bác bỏ ý tưởng về sự kiện này. Bà cho biết: "Cái gọi là hội nghị thượng đỉnh lần hai có cùng mục tiêu với hội nghị đầu tiên - thúc đẩy công thức hòa bình hoàn toàn không khả thi để giải quyết xung đột, để có được sự ủng hộ của đa số toàn cầu và nhân danh nó để đưa ra tối hậu thư cho Nga đầu hàng. Chúng tôi sẽ không tham gia các ‘hội nghị thượng đỉnh’ như vậy".

Người phát ngôn nhấn mạnh, Nga không bác bỏ ý tưởng về một giải pháp ngoại giao, sẵn sàng thảo luận về "những đề xuất thực sự nghiêm túc có tính đến tình hình thực tế" và các điều kiện đàm phán do Tổng thống Vladimir Putin đưa ra vào tháng 6. Lãnh đạo Nga cho biết, Mátxcơva sẽ lập tức bắt đầu đàm phán khi Kiev rút quân khỏi Donbass, Kherson, Zaporozhye, cam kết trung lập, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa.

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên được tổ chức tại Thụy Sĩ vào tháng 6, nhưng Nga không tham dự.

Căn cứ cũ của công ty Wagner ở Nga bốc cháy

Một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại căn cứ quân sự cũ của công ty Wagner Group ở Molkino (tỉnh Krasnodar, Nga), tờ Kyiv Independent đưa tin.

Molkino từng là nơi tập kết của các chiến binh Wagner trong gần 10 năm, và là căn cứ chính của nhóm này tại Nga.

Năm 2023, căn cứ được cho là đã được bàn giao cho Quân đoàn châu Phi, một đơn vị gồm các cựu binh Wagner.

Theo Meduza, Quân đoàn châu Phi hoạt động ở Burkina Faso, Libya, Mali, Cộng hòa Trung Phi và Niger.

Kênh Telegram của Wagner Orchestra đã công bố video cho thấy các tòa nhà hành chính và trụ sở của căn cứ bốc cháy vào ngày 21/9. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ việc.

Quân đoàn châu Phi chưa đưa ra bình luận về thông tin này.

Tổng thống Ukraine bác tin 80.000 binh sĩ thiệt mạng trong xung đột với Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bác bỏ bài báo của tờ Wall Street Journal về việc 80.000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong cuộc xung đột với Nga.

Trước đó, ngày 17/9, tờ Wall Street Journal đưa tin tổng số binh sĩ Ukraine và Nga thương vong kể từ khi xung đột bùng phát năm 2022 có thể vượt quá một triệu người.

Đặc biệt, theo tờ này, "Kiev ước tính số binh sĩ Ukraine thiệt mạng là 80.000 người và bị thương 400.000 người".

Trả lời trong một cuộc họp báo, Tổng thống Zelensky cho biết: "80.000 người? Đó là lời nói dối. Con số thực tế thấp hơn nhiều".

Đồng quan điểm, Đại tá Roman Kostenko từ Cơ quan An ninh Ukraine nói: "Dữ liệu mà Wall Street Journal đưa ra đã bị cường điệu". Ông Kostenko - một nghị sĩ của đảng Holos (Tiếng nói) - là thư ký của Ủy ban Quốc hội Ukraine về An ninh Quốc gia, Quốc phòng và Tình báo.

Mặc dù Kiev không cung cấp thông tin cập nhật thường xuyên về thương vong, nhưng các chỉ huy quân đội đã nhiều lần thừa nhận tổn thất không nhỏ trên chiến trường, đặc biệt là trong cuộc phản công thất bại năm 2023 và cuộc giao tranh gần đây ở Donbass.

Ngày 25/2/2024, Tổng thống Zelensky báo cáo tổng cộng 31.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng kể từ khi xung đột bùng phát.

Tờ Washington Post hồi tháng 4 dẫn lời một nghị sĩ Ukraine giấu tên cho biết, Tổng thống Zelensky đã giảm đáng kể số thương vong để giữ nhuệ khí của quân đội, trong bối cảnh chiến dịch huy động lực lượng của Ukraine đang suy yếu. Sau đó, Ukraine mở rộng luật nghĩa vụ quân sự với hy vọng có thể chiêu mộ thêm nhiều người tham gia lực lượng vũ trang.

Nga không công khai con số thương vong của nước này. Tuy nhiên hồi tháng 6, Tổng thống Vladimir Putin cho biết tỷ lệ tổn thất trên chiến trường giữa Nga và Ukraine là khoảng 1/5.

Nga tấn công tàu chở đạn dược phương Tây tới Ukraine

Quân đội Nga đã tấn công một con tàu đang vận chuyển đạn dược phương Tây đến Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nói thêm rằng họ đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công khác vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Trong một tuyên bố hôm 21/9, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận các máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, tên lửa và lực lượng pháo binh nước này đã phá hủy hai kho đạn dược của Ukraine, và "tấn công một tàu chở hàng mang theo tên lửa, đạn dược do các nước phương Tây cung cấp cho Kiev".

Nga không tiết lộ mức độ hư hại của con tàu cũng như địa điểm diễn ra vụ tấn công, dù Ukraine chủ yếu dựa vào các tuyến đường trên Biển Đen và sông Danube để tiếp nhận các lô hàng trên biển.

Bộ này cũng cho biết, lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc tấn công bằng vũ khí và máy bay không người lái có độ chính xác cao, nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine có liên quan đến tổ hợp công nghiệp quốc phòng, cũng như các xưởng sản xuất máy bay không người lái và khu vực triển khai quân sự.

"Cuộc tấn công đã đạt được mục đích. Tất cả các mục tiêu được chỉ định đều đã bị tấn công", tuyên bố nêu rõ.

Trong khi các quan chức Ukraine chưa bình luận về tuyên bố của Nga, thì truyền thông địa phương đã đưa tin về các vụ nổ ở Kharkov, Dnepropetrovsk, Poltava, Sumy, Krivoy Rog và một số thành phố khác trong đêm.

Nga đã nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine kể từ sau cuộc tấn công của Kiev vào Cầu Crimea mùa thu năm 2022. Mátxcơva vẫn khẳng định quân đội Nga không bao giờ nhắm mục tiêu vào dân thường.

Máy bay không người lái Nga 'xé nát' xe tăng Ukraine ở tỉnh Kursk

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, quân đội nước này đã thực hiện hai cuộc tấn công liên tiếp bằng máy bay không người lái nhằm vào xe tăng của Ukraine ở tỉnh Kursk.

Đoạn video dài 47 giây do bộ này cung cấp cho thấy một máy bay không người lái (UAV) của Nga nhắm vào xe tăng Ukraine từ phía sau. Sau khi UAV đầu tiên đâm vào tháp pháo và tạo ra luồng khói trắng, chiếc UAV thứ hai đã tấn công trực diện chiếc xe tăng, khiến xe tăng nổ tung.

Cũng trong ngày 21/9, Bộ Quốc phòng Nga tiếp tục công bố đoạn video ghi lại khoảnh khắc máy bay không người lái FPV tấn công xe bọc thép của Kiev ở tỉnh biên giới Kursk.

Ukraine đã mở cuộc tấn công vào tỉnh Kursk của Nga hồi đầu tháng trước và tuyên bố đã đạt được một số thành quả nhất định. Trong khi đó, Nga cho biết mọi bước tiến của Ukraine đã bị chặn lại và họ đang tiến hành các cuộc phản công để đẩy lùi lực lượng Ukraine.

Trong bản cập nhật mới nhất về tổn thất của Ukraine trên hướng Kursk, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong 24 giờ qua, quân đội Nga đã đánh bại 10 lữ đoàn Ukraine và cản trở các nỗ lực phản công ở tỉnh Kursk.

Tổng cộng, kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công đầu tháng 8, Ukraine đã thiệt hại hơn 15.650 binh sĩ, 124 xe tăng, 57 xe chiến đấu bộ binh, 95 xe bọc thép chở quân, 786 xe thiết giáp chiến đấu, 121 khẩu pháo, 29 bệ phóng MLRS, 30 trạm tác chiến điện tử, 7 radar phản pháo và 2 radar phòng không.

Theo Pravda, Tass
MỚI - NÓNG