Xã hội nào cũng tồn tại những nhóm lợi ích và điều đó là hết sức bình thường.
Trở lại vụ việc Grab taxi ở Đà Nẵng. Có thể chia các nhóm với lợi ích đối lập như sau: doanh nghiệp kinh doanh Grab taxi, người có phương tiện đủ điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ Grab taxi, người tiêu dùng. Ba đối tượng này cùng chung lợi ích và cùng hưởng lợi khi dịch vụ được hoạt động. Doanh nghiệp, người có phương tiện có doanh thu, người tiêu dùng thêm lựa chọn với giá rẻ hơn.
Nhóm đối lập về lợi ích gồm chính quyền và các doanh nghiệp taxi truyền thống. Chính quyền Đà Nẵng nói cho phép Grab taxi hoạt động sẽ làm nảy sinh ách tắc giao thông, phá vỡ quy hoạch hệ thống giao thông vận tải địa phương. Doanh nghiệp taxi truyền thống thì không cần phải giải thích, vì họ phải chia sẻ miếng bánh, giảm doanh thu.
Cuộc chiến giữa taxi truyền thống và các loại hình taxi kiểu mới như Uber, Grab đã diễn ra nhiều nơi, trước đó là TPHCM và cho đến nay, mọi việc có vẻ vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng ít nhất, Uber và Grab đã làm thay đổi diện mạo của taxi truyền thống, buộc các hãng phải nâng cao chất lượng phục vụ, tính cạnh tranh.
Đà Nẵng trong thời gian qua nổi lên là một địa phương có chỉ số cạnh tranh cao, môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở. Tuy nhiên yêu cầu tạm dừng dịch vụ, thậm chí là ý định dùng mệnh lệnh hành chính can thiệp để ngăn cản hoạt động đúng pháp luật của Đà Nẵng có thể xem là một bước lùi. Trong trường hợp này, lợi ích nhóm (nếu có) phải bị xem là mang yếu tố tiêu cực. Các loại hình kinh doanh mới bản thân chúng không có lỗi.
“Lỗi” ở đây chính là sự chậm theo kịp cuộc sống của hệ thống pháp luật. Và nếu là một chính quyền hiện đại, cởi mở, thông thoáng thì tư duy “chính quyền làm gì cũng phải được pháp luật quy định” phải luôn được đề cao và tuân thủ chặt chẽ.
Chưa chứng minh được tác động tiêu cực (nếu có) của các loại hình kinh doanh mới, chưa có cơ sở pháp luật để ngăn chặn chúng thì cũng không thể ra lệnh tạm dừng hoặc tìm cách ngăn cản, vì đó là hành vi không được pháp luật cho phép.