Xúc động với hoàn cảnh, nghị lực của sinh viên chương trình Nâng bước thủ khoa

TPO - Mồ côi cả cha lẫn mẹ, gia đình ly tán, được bà ngoại ngoài 85 tuổi nuôi dưỡng,... nhiều hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng vẫn vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập là một số trong rất nhiều điều để nói về các bạn sinh viên tại chương trình Nâng bước thủ khoa 2023.

Trưởng thành từ thiếu thốn

Sáng 9/1, Nguyễn Thị Hậu, sinh viên ngành Điều dưỡng, Trường ĐH Y – Dược Thái Bình thức dậy thật sớm, mặc lên mình bộ đồ cử nhân và điểm chút son môi cho gương mặt trông thật tươi tắn để tham gia Chương trình Nâng bước thủ khoa 2023 tại điểm cầu Hà Nội.

Cũng giống như những ngày đi nhập học, không có người thân nào đưa Hậu đến nơi. Bởi từ khi lọt lòng, Hậu đã không nhận được tình yêu thương từ bố trong khi mẹ thì bị thần kinh chẳng thể chăm sóc em. Hậu lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc và những lời ru buồn tủi của bà ngoại nay đã ngoài 85 tuổi.

Khi được mời lên bục để chia sẻ, Hậu rơm rớm nước mắt vì tự hào và tủi thân bởi dưới sân khấu rộng lớn chẳng có người thân nào ở đó nhìn em khích lệ. “Em không nhớ từ khi nào mình đã quen với việc lủi thủi bắt xe đến trường một mình, thấy bạn bè có bố mẹ đưa đi đón về mỗi dịp quan trọng hay vui vẻ chụp ảnh cùng khi tốt nghiệp em đã không còn buồn và ấm ức nữa.

Xúc động với hoàn cảnh, nghị lực của sinh viên chương trình Nâng bước thủ khoa ảnh 1
Xúc động với hoàn cảnh, nghị lực của sinh viên chương trình Nâng bước thủ khoa ảnh 2Xúc động với hoàn cảnh, nghị lực của sinh viên chương trình Nâng bước thủ khoa ảnh 3

Nguyễn Thị Hậu khiến nhiều sinh viên rưng rưng xúc động khi chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn và nỗ lực vươn lên trong học tập của mình.

Những lúc như vậy, em tự dặn lòng mình rằng phải cố gắng học thật giỏi để sau này cuộc sống sẽ tốt hơn. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển Ngành Điều dưỡng, Trường ĐH Y-Dược Thái Bình em như vỡ òa bởi từ đây, ước mơ trở thành bác sĩ giỏi để có thể chăm sóc mẹ và cậu bị bệnh tâm thần cũng như bà ngoại già yếu và mọi người ngày càng đến gần với em hơn”, Hậu nghẹn ngào nói.

Cũng tại chương trình, Hậu tự nhận bản thân em dường như trưởng thành hơn so với tuổi bởi từ khi nhận thức được hoàn cảnh đặc biệt của mình, thay vì vui đùa như bạn bè đồng trang lứa thì Hậu luôn tranh thủ thời gian để đi làm thuê, phụ giúp chi phí sinh hoạt cho bà ngoại.

“Hoàn cảnh của em éo le nhưng em vẫn may mắn bởi có sự đồng hành, giúp đỡ của thầy, cô, các mạnh thường quân và hiện tại là cả báo Tiền Phong với chương trình Nâng bước thủ khoa để em có thêm động lực để chinh phục ước mơ của mình”, Hậu bày tỏ.

Tại đầu cầu phía Nam, Lò Thị Linh (sinh viên chuyên ngành Giáo dục tiểu học, Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum) cũng không giấu nổi xúc động khi cho biết hôm nay em cũng đến chương trình Nâng bước thủ khoa một mình bởi cả cha và mẹ đều đã mất.

Linh tâm sự, trước đây không ít lần em tự hỏi rằng tại sao số phận mỗi người lại không giống nhau như vậy, tại sao bạn bè được sống trong gia đình hạnh phúc, điều kiện đủ đầy, chỉ việc ăn với học thì em lại phải vất vả với cuộc sống như vậy.

Xúc động với hoàn cảnh, nghị lực của sinh viên chương trình Nâng bước thủ khoa ảnh 4Xúc động với hoàn cảnh, nghị lực của sinh viên chương trình Nâng bước thủ khoa ảnh 5
Xúc động với hoàn cảnh, nghị lực của sinh viên chương trình Nâng bước thủ khoa ảnh 6

Lò Thị Linh (sinh viên chuyên ngành Giáo dục tiểu học, Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum) gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ban tổ chức chương trình Nâng bước thủ khoa.

Tuy nhiên, khi đến tham gia chương trình Nâng bước thủ khoa của báo Tiền Phong, em nhận thấy mình không đơn độc vì vẫn có rất nhiều tấm lòng sẵn sàng giang tay giúp đỡ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như em.

“Em thật sự muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ban tổ chức, các nhà tài trợ đã tạo điều kiện cho em cũng như nhiều sinh viên nghèo có động lực bước tiếp trên con đường học tập, cống hiến cho xã hội”, Linh bày tỏ và cho biết bản thân sau này muốn trở thành một giáo viên để mang kiến thức, kinh nghiệm đến với các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa.

Học tập là quyết định sáng suốt nhất cuộc đời

Tương tự Hậu và Linh, Trần Minh Lộc (thủ khoa ngành Piano Trường Đại học Văn hiến) cũng sinh ra trong một gia đình không trọn vẹn vì ba mẹ ly dị từ khi em còn nhỏ, sau đó em được bà nội nuôi dưỡng.

Năm 2018, Lộc từng nghỉ học, lao ra đời mưu sinh với đủ nghề sau cú sốc mẹ qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, khi đi làm, em tự nhận thấy mình quá non nớt, thiếu nhiều kinh nghiệm và khó có thể trụ vững trong tương lai. Do đó, Hậu quyết định tiếp tục con đường tri thức để có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Xúc động với hoàn cảnh, nghị lực của sinh viên chương trình Nâng bước thủ khoa ảnh 7Xúc động với hoàn cảnh, nghị lực của sinh viên chương trình Nâng bước thủ khoa ảnh 8
Xúc động với hoàn cảnh, nghị lực của sinh viên chương trình Nâng bước thủ khoa ảnh 9

Trần Minh Lộc (thủ khoa ngành Piano Trường Đại học Văn hiến) từng nghỉ học, lao ra đời mưu sinh với đủ nghề sau cú sốc mẹ qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo.

“Nỗi đau mất mẹ, mất đi chỗ dựa tinh thần khiến em từng có ý định buông xuôi, không tìm thấy động lực trong cuộc sống. Nhưng khi ra xã hội, em thấy bản thân mình chẳng có gì để chống chọi với cuộc đời. Vì thế, em quyết định thi vào Trường Đại học Văn hiến và may mắn đỗ thủ khoa.

Hôm nay, cũng giống như cảm giác khi nhận giấy báo trúng tuyển đại học, em thật sự hạnh phúc và tin rằng, ở nơi xa nào đó, mẹ cũng sẽ rất vui và tự hào khi em nhận giải thưởng Nâng bước thủ khoa lần này. Quyết định quay lại học tập là quyết định sáng suốt nhất của em”, Lộc rưng rưng nói.

Còn với Hồ Thị Ly (dân tộc Bru – Vân Kiều, SV ĐH Thể dục Thể thao Đà Nẵng, Học bổng Nâng bước thủ khoa năm 2021) thì việc nhận được học bổng của báo Tiền Phong với em là một nguồn động viên rất lớn, chắp cánh ước mơ cho em.

Không giống như Hậu, Linh hay Lộc, Ly may mắn hơn vì sinh ra trong gia đình có đủ đầy cha mẹ nhưng áp lực kinh tế đã đôi lần suýt khiến con đường học tập của em bị dang dở.

Xúc động với hoàn cảnh, nghị lực của sinh viên chương trình Nâng bước thủ khoa ảnh 10

Hồ Thị Ly (dân tộc Bru – Vân Kiều, SV ĐH Thể dục Thể thao Đà Nẵng, Học bổng Nâng bước thủ khoa năm 2021) bày tỏ, học bổng của báo Tiền Phong như một luồng gió mới, nâng cánh ước mơ của các bạn dân tộc thiểu số như em.

Ly cho biết: “Sau thời gian đắn đo suy nghĩ, em cố gắng tiếp tục đi học vì tương lai tốt đẹp hơn. May mắn được sự hỗ trợ của Báo Tiền phong với học bổng Nâng bước thủ khoa, em đã được chắp cánh ước mơ. Học bổng này có ý nghĩa vô cùng lớn đối với bản thân em cũng như các bạn sinh viên dân tộc thiểu số mạnh dạn bước vào giảng đường Đại học, thay đổi bản thân, góp sức xây dựng đất nước giàu đẹp hơn.

Báo Tiền Phong như một luồng gió mới, nâng cánh ước mơ của các bạn dân tộc thiểu số như em. Em xin chúc chương trình Nâng bước thủ khoa sẽ giúp đỡ nhiều hơn cho các bạn trên mọi miền tổ quốc có hoàn cảnh khó khăn để được thắp sáng ước mơ của mình”…

Chương trình “Nâng bước thủ khoa” do báo Tiền Phong sáng kiến tổ chức, trở thành một hoạt động thường niên có ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động của Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam của T.Ư Đoàn do báo Tiền Phong làm Thường trực.

Chương trình nhằm tôn vinh, trao học bổng cho các tân thủ khoa đầu vào các trường ĐH, học viện trong cả nước, có hoàn cảnh khó khăn, được các trường có công văn giới thiệu. Hồ sơ xét chọn dựa trên thành tích học tập, hoàn cảnh và tâm thư bày tỏ khát vọng, vượt khó khăn để vươn lên trong cuộc sống của các em.

Học bổng Nâng bước thủ khoa tổ chức lần đầu từ năm 2016 đến nay đã trao cho gần 700 sinh viên, với tổng kinh phí bằng tiền mặt là hơn 8 tỷ đồng.

Tin liên quan