Quê hương mùa đoàn tụ lên sóng 22h tối giao thừa, là chương trình được đầu tư công phu cả về kịch bản, dàn dựng cũng như sự kỳ công mời được các nghệ sỹ lớn trở về.
Lần đầu tiên NSND Đặng Thái Sơn nhận lời tham gia chương trình đón giao thừa ở Việt Nam. Ít khi nhận lời tham gia các chương trình truyền hình, nhưng dịp này ông tới trường quay cùng mẹ là nghệ sĩ Thái Thị Liên vừa bước sang tuổi 102. Dù tuổi cao nhưng trí nhớ của bà vẫn vô cùng tuyệt vời, vẫn nhận ra những học trò nay thất thập, bát thập.
NSND Đặng Thái Sơn kể chuyện mẹ mình từng có cơ hội thành ca sỹ trước khi trở thành nghệ sỹ piano nổi danh
NSND Đặng Thái Sơn kể ngày nhỏ được mẹ chỉ dạy, ông còn nhớ học trò luôn gọi là “cụ Liên” bởi bà rất nghiêm khắc. Chính vì thế nên ông luôn cố gắng chuẩn bị để không bị mẹ trách mắng. Chính điều đó ảnh hưởng tới cách truyền thụ cho học trò sau này của NSND Đặng Thái Sơn.
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân là một trong số học trò của cụ Liên cũng tới trường quay, ông cũng kể cảm giác hồi hộp mỗi lần bước lên cầu thang gỗ để tới học nhà nghệ sỹ Thái Thị Liên.
NSND Đặng Thái Sơn trình diễn bản nhạc mà nghệ sĩ Thái Thị Liên soạn cho các học trò, cùng biểu diễn với ông là Đăng Quang-chắt của cụ Liên. Đăng Quang bảo lần đầu tiên đánh cho cụ nghe nên hồi hộp như kiểm tra học kỳ.
Đăng Quang đệm đàn cho mẹ Thanh Lam hát
Ngay trên sân khấu sau đó, Đăng Quang lần đầu biểu diễn nhạc phẩm của bố-nhạc sỹ Quốc Trung-, đệm đàn cho mẹ là NSƯT Thanh Lam và Thiện Thanh-con gái Thanh Lam. Chương trình sau đó còn có sự hội ngộ vợ của vợ chồng nhạc sỹ Anh Quân-ca sỹ Mỹ Linh.
Những người thực hiện đan xen kể về những con người đặc biệt với những tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Giới thiệu về Bùi Xuân Phái, nghe những câu chuyện kể về ông, người xem được đón gia đình nhạc sỹ Trần Tiến-Trần Hiếu-Trần Thu Hà hội ngộ trên sân khấu.
Gia đình nhạc sỹ Trần Tiến-Trần Hiếu-Trần Thu Hà hội ngộ
Gia đình nghệ sỹ này rất lâu mới hội ngộ về Hà Nội dịp Tết, trong không gian tranh Bùi Xuân phái Trần Tiến hát “Ngẫu hứng phố”. MC Diễm Quỳnh trêu gia đình nhạc sỹ dường như mang không khí Hà Nội đi mất, Trần Tiến nói không hề có chuyện đó, tuy nhiên chính vì sự đặc biệt của Hà Nội nên đi xa cứ muốn trở về.
Một trong những tiết mục ấn tượng mạnh về thị giác và thính giác chính là màn kết hợp giữa Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang. Nguyên Lê là con trai của GS. Lê Thành Khôi (sinh sống ở Pháp), người viết Lịch sử Việt Nam-Từ nguồn gốc tới giữa thế kỷ 20. Ông về Việt Nam đúng dịp đặc biệt, lại được Tùng Dương mang tới tặng món quà đặc biệt-chiếc cốc in hình Nguyên Lê và chiếc áo dài. NSND Hoàng Dũng là một trong số khách mời bảo, cầm cuốn sách của GS. Lê Thành Khôi hiểu được vì sao dù xa quê hương nhưng tâm hồn Nguyên Lê vẫn thấm đẫm chất Việt Nam.
Tùng Dương hứa sau Độc đạo cùng Nguyên Lê thực hiện nhiều dự án âm nhạc nữa ở nước ngoài
Chương trình còn có sự xuất hiện của PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, con trai GS. Nguyễn Văn Huyên-người Việt Nam đầu tiên bảo vệ luận văn Tiến sĩ tại đại học Sorbonne-Paris, Pháp vào năm 1934-, con gái của cụ Huyên. Họ kể về bảo tàng gia đình xinh xắn ở Lai Xá để kể câu chuyện gia đình, cũng như câu chuyện thời đại.
Thanh Duy có sự dẫn dắt duyên dáng cùng MC Diễm Quỳnh trong suốt chương trình
Chương trình cũng là dịp tôn vinh nghệ sỹ đưa văn hóa Việt ra thế giới như nhà thiết kế Công Trí, nghệ sỹ Trần Ly Ly người chèo lái Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thời gian qua, dàn dựng thành công vở ballet Hồ Thiên nga sau 35 năm. Ê kíp nghệ sỹ dàn dựng Xiếc Làng tôi lưu diễn khắp thế giới.