Xuất khẩu gạo: Cơ hội vàng và tiên lượng rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau Ấn Độ, một số quốc gia như Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)… cấm xuất khẩu (XK) gạo càng làm cho thị trường lúa gạo toàn cầu chao đảo. Đây được xem là cơ hội lớn cho gạo XK của Việt Nam, tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) cho rằng, Nhà nước cần có chính sách kịp thời, phù hợp, vừa tận dụng thời cơ nhưng phải đảm bảo ổn định tình hình…

Làm sao để có gạo bán

Chia sẻ với PV Tiền Phong, lãnh đạo một DN có thâm niên hàng chục năm trong ngành lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho rằng, động thái cấm XK gạo của Ấn Độ đã khiến thị trường thế giới đảo lộn. Nếu quốc gia XK số 1 thế giới duy trì chính sách này lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuất gạo nói chung. Gần đây, các nước Nga, UAE cũng cấm XK gạo để lo cho thị trường nội địa, mặc dù đây không phải là những nước XK gạo hàng đầu nhưng cũng góp phần làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn.

Xuất khẩu gạo: Cơ hội vàng và tiên lượng rủi ro ảnh 1

Xuất khẩu gạo ở ĐBSCL

Theo vị này, dự báo của các tổ chức quốc tế cho thấy, tình hình nguồn cung thế giới hạn hẹp, thiếu hụt sản lượng nên những nước tiêu thụ nhiều gạo tranh thủ mua tích trữ. Điều này đem lại cơ hội cho Việt Nam, nông dân có lợi nhuận cao vì bán lúa được giá; nhóm DN mua lúa trực tiếp về xay xát cũng có lợi. Tuy nhiên, với nhóm những DN XK lớn chưa hẳn được hưởng lợi, bởi họ đã có hợp đồng từ trước nên phải bán theo giá hợp đồng đã ký, thấp hơn nhiều so với giá hiện tại.

Đề cập câu chuyện đảm bảo an ninh lương thực trong nước, đại diện DN này nói: “Tôi đồng ý với Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT là Việt Nam không thiếu gạo, nên không nên áp dụng cấm XK gạo bởi cấm sẽ càng làm cho tình hình thêm rối loạn. Bây giờ là làm sao có gạo bán, chứ không lo thị trường. Hiện tại DN có thể bị lỗ, nhưng họ sẽ phục hồi, điều quan trọng là duy trì ổn định và lợi ích cho người trồng lúa”.

Theo ông Nguyễn Văn Nhựt - Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật, muốn thu mua lúa, DN cần vay tiền. Bản thân ngân hàng cũng muốn cho vay nhưng họ phải đánh giá DN có phương án kinh doanh hiệu quả hay không. Nếu khả năng thu hồi vốn không có thì chắc chắn ngân hàng sẽ không cho vay. DN nào có phương án tốt, mang lại hiệu quả và khả năng trả nợ cao thì không thiếu ngân hàng chủ động mời gọi.

Xuất khẩu gạo: Cơ hội vàng và tiên lượng rủi ro ảnh 2
Thu hoạch lúa tại một tỉnh miền Tây

Tuy nhiên, áp lực lãi suất vay cũng khiến các DN e ngại, nên cần có cơ chế hỗ trợ DN thông qua việc các ngân hàng có thể xem xét điều kiện được vay tín chấp. Trong lúc này, nếu có giải pháp an toàn hơn, vừa đảm bảo quyền lợi của ngân hàng vừa giúp DN tiếp cận nguồn vốn rộng rãi, là rất cần thiết . Đây là nút thắt cần tháo gỡ để giúp các DN có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh…

Xuất hiện tình trạng “bẻ kèo”

Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), một DN hàng đầu về XK gạo cho biết, sau lệnh cấm XK gạo của Ấn Độ, giá gạo XK thế giới (trong đó có Việt Nam) đã tăng thêm hơn 100 USD/tấn, thậm chí có thể tăng thêm 200 USD/tấn nếu lệnh cấm này của Ấn Độ kéo dài.

Trong bối cảnh đó, tình trạng tranh mua, tranh bán xảy ra, dẫn đến việc “hủy kèo”, không tôn trọng các hợp đồng đã thỏa thuận. Điều này khiến các DN, nhà máy chế biến gạo không nhận được lượng hàng hóa đã chốt. Trong khi đó, cũng có tình trạng nông dân, thương lái bỏ cọc để bán ra bên ngoài với giá cao hơn.

Theo đại diện DN này, do đặc thù của ngành gạo nói riêng và nông sản nói chung là phải bán trước mùa vụ nên các DN XK thường không đủ tài chính để chuẩn bị đủ lượng hàng (thường đáp ứng 50-60% lượng đơn hàng ký kết). Trong khi gạo là mặt hàng cần nhiều thời gian và công sức để sấy, xay xát, lưu kho. Do vậy, khi giá tăng mỗi ngày thì các DN thường gặp tình trạng mua vào không kịp.

Khi giá biến động quá nhanh như hiện nay, các nhà máy cung ứng thường phải chịu lỗ để giao các đơn hàng đã chốt hoặc hủy hợp đồng. “Chuỗi cung ứng của ngành gạo đã bị đứt gãy ngay từ khâu đầu tiên, làm cho cả ngành phát triển không bền vững, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia do các DN mất khả năng thực hiện hợp đồng, có thể xảy ra tranh chấp, kiện cáo trong tương lai gần” - DN này nhận định.

Theo các DN, trong khi nhu cầu về gạo cao, Nhà nước nên xem xét điều tiết sản lượng XK cân bằng cho từng tháng, từng quý. “Chẳng hạn, từ nay đến cuối năm, XK khoảng 2 triệu tấn gạo thì cứ mỗi tháng XK 400 nghìn tấn, tối đa mức đó, nếu có hợp đồng mới thì chuyển sang tháng sau, và thông tin số liệu phải được công khai. Chính sách này sẽ vừa có lợi cho an ninh lương thực trong nước, có lợi cho nông dân, DN bởi giá sẽ ổn định ở mức cao” - lãnh đạo một DN XK gạo ở Cần Thơ đề xuất.

Tuy nhiên, theo vị này, cần có kiểm soát, không để giá đẩy lên quá cao bởi có thể làm tăng lạm phát, ảnh hưởng đến người nghèo. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách ứng phó kịp thời, phù hợp, vừa để DN tận dụng cơ hội, vừa có lợi cho người trồng lúa. Khi đó, sản lượng được duy trì ổn định, đáp ứng cho XK và đảm bảo nhu cầu trong nước.

Ông Nguyễn Ngọc Huấn - Giám đốc Hợp tác xã Khiết Tâm (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) cho biết, Hợp tác xã có 40 thành viên, với tổng diện tích 340ha lúa. Vụ Hè Thu năm nay, sau khi trừ chi phí, bà con lãi khoảng 40 triệu đồng/ha, cao hơn khoảng 10 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong nhiều năm qua. “Việc Ấn Độ cấm XK gạo làm cho nhu cầu gia tăng, giá lúa cũng vì thế tăng theo, mang lại nhiều lợi nhuận nên bà con rất phấn khởi” - ông Huấn nói.

MỚI - NÓNG