Xử trí những chấn thương thường gặp khi chơi thể thao

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Người chơi bóng đá dễ bị thương ở gối, cổ chân, bàn chân, cần phải sơ cứu ngay tại chỗ: Ngưng chơi, chườm đá, nâng cao vùng chi bị tổn thương. Sau đó, nếu bệnh tiến triển xấu hơn, nên đến gặp bác sĩ.

Bác sĩ Tan Jee Lim là một chuyên gia về lĩnh vực chấn thương thể thao tại Bệnh viện Gleneagles,Singapore. Ông từng điều trị cho nhiều vận động viên nổi tiếng đang ở sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Bác sĩ cho biết chấn thương thể thao là nỗi lo của hầu hết các vận động viên và cả người chơi thể thao không chuyên. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, môn thể thao, cường độ tập luyện, kỹ thuật… mà mức độ chấn thương sẽ khác nhau.

Những môn thể thao đối kháng như bóng đá, Taekwondo, judo…, nguy cơ chấn thương thường cao hơn so với bơi lội, marathon. Hầu hết chấn thương tùy thuộc vào tần suất luyện tập và thi đấu. Nếu bạn thi đấu thường xuyên, phải luyện tập 2 đến 3 lần mỗi ngày, thi đấu để nâng hạng, có thể sẽ chịu nhiều áp lực và nguy cơ chấn thương cao hơn nhiều.

Bên cạnh đó nguyên nhân dẫn đến chấn thường còn do thực hiện sai kỹ thuật. Tùy thuộc vào đặc thù từng môn thể thao, ví dụ như tennis hay golf, đòi hỏi kỹ thuật giữ vợt với từng vận động viên thuận tay trái, tay phải sẽ khác nhau? Để hạn chế chấn thương, ngay từ đầu, bạn cần có huấn luyện viên hướng dẫn bài bản.

Chấn thương trong thể thao tùy thuộc vào từng bộ môn. Chẳng hạn với tennis, chấn thương thường gặp ở khủy tay, vai. Còn với bóng đá, tổn thương ở gối, cổ chân, bàn chân. Bác sĩ Tan từng điều trị cho nữ cầu thủ Kim Hồng của tuyển Việt Nam bị tổn thương dây chằng khớp gối. Cô đã không thể tiếp tục đá bóng vì gối không thể trụ vững như trước. 

Bác sĩ Tan khuyên, ngay khi bị chấn thương, bạn cần phải sơ cứu ngay tại chỗ: ngưng chơi, chườm đá, nâng cao vùng chi bị tổn thương. Sau đó, nếu bệnh tiến triển xấu hơn, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh bằng các phương tiện như X-ray, MRI. Từ đó, bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị để giúp bạn trở lại hoạt động và chơi thể thao như bình thường.

Y học hiện đại đã có nhiều tiến bộ về điều trị chấn thương thể thao. Trong đó, phương pháp phẫu thuật nội soi đóng vai trò rất quan trọng, giúp vết mổ nhỏ hơn, bệnh nhân phục hồi nhanh và trở lại tập luyện sớm hơn. 

Bên cạnh đó là những tiến bộ về kỹ thuật implants (mảnh ghép) cho phép sử dụng các mảnh ghép chắc hơn, có thể hòa tan trong cơ thể, rất có ý nghĩa trong phẫu thuật tạo hình, giúp các vận động viên sớm trở lại thi đấu đỉnh cao. Tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ sinh học còn cho phép nuôi cấy tế bào của chính nhân, sau đó đưa trở lại vào cơ thể để tạo nên tế bào mới. Gần đây, công nghệ ghép tế bào mầm cũng đang được phát triển trong điều trị chấn thương thể thao mang lại hiệu quả ưu việt hơn.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG