Xử lý nợ xấu sẽ kéo dài hơn dự tính

TP - Đây là nhận định của bà Victorya Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khi trả lời báo chí mới đây về việc xử lý nợ xấu của Việt Nam. 

Theo đó, việc tạm hoãn thực hiện Thông tư 02 (hướng dẫn phân loại nợ của các tổ chức tín dụng) đến đầu năm 2015 là bước đi tích cực.

Xử lý nợ xấu sẽ kéo dài hơn dự tính ảnh 1

Bất kỳ việc sử dụng sai nguồn vốn công quỹ nào đều rất xấu và cần xử lý nghiêm - Ảnh: Thanh Niên

Tuy nhiên, hiện chưa có những thông tin đầy đủ và mạnh mẽ từ Cty Quản lý và Khai thác Tài sản Việt Nam (VAMC) về việc xử lý nợ xấu. VAMC đã mua nợ xấu lớn từ các ngân hàng thương mại, nhưng cụ thể xử lý thế nào ít người biết. Với những diễn biến hiện tại, việc xử lý nợ xấu sẽ dài hơn dự tính.

Còn theo ông Bert Hofman, chuyên gia kinh tế trưởng Khu vực Đông Á Thái Bình Dương của WB, ở các nước, để nợ xấu trong ngân hàng xử lý được, đòi hỏi các cơ quan chức năng không né tránh việc trích lập dự phòng nợ xấu tại các ngân hàng. Bên cạnh đó, lấy nợ xấu khỏi ngân hàng và để tổ chức khác xử lý (Việt Nam đã có VAMC). 

“Tôi không thể khuyến nghị ở Việt Nam nên làm như thế nào vì không biết quy mô thực sự của nợ xấu ở Việt Nam là bao nhiêu. Tuy nhiên, thực sự nợ xấu đang kéo lùi sự phát triển của các ngân hàng và nền kinh tế. Nếu chọn, nên lựa chọn phương án để các ngân hàng tự giải quyết”, ông Hofman nói.

Cũng theo bà Kwakwa, bất kỳ việc sử dụng sai nguồn vốn công quỹ nào (dù trong nước hay nước ngoài) đều rất xấu và cần xử lý nghiêm. “Hiện tại vụ việc của ngành đường sắt chưa thể tác động ngay đến vốn ODA cho Việt Nam. 

Bất kỳ cáo buộc nào về sự gian lận, sử dụng vốn sai mục đích đều phải xử lý nghiêm. Nếu cáo buộc tham nhũng đúng, Chính phủ phải có động thái mang lại lòng tin cho nhà tài trợ. WB cũng sẽ có hành động phù hợp. WB và các đối tác phát triển vẫn coi cáo buộc này là nghiêm trọng và đang nỗ lực gấp đôi nhằm ngăn ngừa các trường hợp gian lận ODA”, bà Kwakwa cho biết.

MỚI - NÓNG