Xử lý nhẹ trên, nặng dưới là đầu hàng tham nhũng

Xử lý nhẹ trên, nặng dưới là đầu hàng tham nhũng
TP - Ông Phan Anh Minh, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hồ Chí Minh  cũng như nhiều vị ĐBQH khác đã đưa ra nhiều đề nghị rất cụ thể như vậy về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

“Phụ nữ chửa thì sau 9 tháng 10 ngày cũng phải đẻ. Tôi đề nghị phải nhanh chóng đưa những vụ tham nhũng điển hình như PMU 18, Nguyễn Lâm Thái lừa đảo, tiêu cực trong quá trình thanh tra ngành dầu khí, Rusalka ra xét xử. Quốc hội cần có yêu cầu về thời hạn phải đưa ra xét xử. Chúng ta đã nói quá nhiều rồi”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Ngọc Trân lên tiếng.

Lấy ví dụ mới chỉ có 16 bộ, ngành và 33 tỉnh, thành có báo cáo về tình hình triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng, ông Trân khẳng định thời gian vừa qua, Chính phủ chống tham nhũng quyết liệt nhưng mới chỉ “đi vòng ngoài”.

Ông Trân bức xúc: “Có luật, có chỉ thị của Thủ tướng mà nhiều tỉnh, nhiều bộ không làm. Như thế là không thể chấp nhận được. Có luật mà hành xử như chưa có luật”.

Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Đình Lộc (ĐBQH TP HCM) nói rằng, sau khi nghe Chính phủ báo cáo thì ông lại có nỗi lo là chúng ta đã sẵn sàng cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa.

“Chính phủ dùng rất nhiều từ mạnh mẽ như “chấn chỉnh ngay”, “kiểm tra đôn đốc kịp thời”... nhưng ngay cả nhiều cơ quan T.Ư cũng chưa có một tí tích cực nào trong việc phòng, chống tham nhũng”- Ông Lộc nói.

Mạnh mẽ hơn, ông Nguyễn Đức Triều (ĐBQH Cà Mau) đề nghị: “Những Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng chưa có báo cáo, Thủ tướng “phết” cho họ cái quyết định kỷ luật được không?”.

Nhanh chóng dẹp tệ “mua quan, bán chức”

Xử lý nhẹ trên, nặng dưới là đầu hàng tham nhũng ảnh 1
Đại biểu Phan Anh Minh (TPHCM) phát biểu tại hội trường ngày 31/10

“Tình trạng “chạy” chức, “chạy” quyền, “chạy” án ai bảo không có là phủ nhận thực tiễn” - Ông Trần Công Kích (ĐBQH Ninh Bình) quả quyết. Cụ thể hơn, ông Nguyễn Ngọc Trân  phân tích rằng, ai “mua” chức thì người đó sẽ lại “bán” chức và kiếm chác khi có quyền lực. Ông Trân đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến việc phòng, chống tham nhũng trong công tác nhân sự.

Ông Kích cũng nói rằng cần phải bổ sung những tiêu chuẩn hết sức cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. “Nếu không làm được điều này và với kiểu xử lý nhẹ trên, nặng dưới là chúng ta đầu hàng tham nhũng” - Ông Trần Công Kích nhận định.

Bên cạnh đó, ông Kích còn đề nghị cần phải có cơ chế cụ thể để “nhân dân và báo chí cùng ra trận” và “đã làm thì làm từ trên xuống, thà chịu đau còn hơn là để dân mất lòng tin!”.

Không quyết tâm thì luật cũng vô hiệu

Tuy sau Đại hội Đảng X, Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) và sau khi Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, người dân phần nào được củng cố niềm tin vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nhưng nhiều ĐBQH đã thẳng thắn đặt lên bàn nghị sự một câu hỏi không mới nhưng còn nguyên tính bức xúc: Chúng ta đã thực sự quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng hay chưa?

Ông Trần Văn Kiệt (ĐBQH Vĩnh Long) đòi hỏi cần xem lại sự tâm huyết ngay từ Trung ương tới địa phương như thế nào trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Tham nhũng qua các con số

Từ đầu năm đến nay Thanh tra Chính phủ kết thúc 14 cuộc thanh tra những dự án công trình có vốn đầu tư lớn.

Qua thanh tra phát hiện tổng sai phạm trị giá gần 859 tỷ đồng, 5.478.583 USD, 120.569 euro. Kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước hơn 99,4 tỷ đồng và 207.923,3 USD; giảm trừ quyết toán trên 498,7 tỷ đồng và 82.081 USD; kiến nghị các bộ, ngành, địa phương xử lý khi quyết toán công trình, dự án trên  275,6 tỷ đồng và 3.625.022 USD; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét 4 vụ việc.

Thủ tướng Chính phủ đang tiếp tục xem xét xử lý nghiêm các sai phạm được phát hiện qua thanh tra.

(Nguồn: Báo cáo thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Chính phủ)

“Bởi vì nếu luật đã ra đời và có hiệu lực nhưng từ Trung ương tới địa phương không có quyết tâm cao thì luật này cũng vô hiệu. Nói không khéo, chống tiêu cực, chống tham nhũng trở thành khẩu hiệu, ai cũng nói được, mọi người nói, từ lãnh đạo đến quần chúng, đến nhân dân, các giai tầng xã hội nói. Nhưng ai làm, bao nhiêu người làm, làm ở đâu? Xin thưa Quốc hội, không có bao nhiêu người làm đâu, cả những người nói cũng chưa chắc làm, cả những người cương quyết chống tham nhũng không khéo trở thành người tham nhũng cao hơn” - Ông Kiệt nói.

Trước đó, ông Đỗ Trọng Ngoạn (ĐBQH Bắc Giang) phát biểu đầy tâm huyết: “Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng có nói rằng: “Lãnh đạo Trung ương trở xuống phải cam kết không tham nhũng”, đó là một điều rất may mắn mà dân rất mong. Nhưng những thông tin về tham nhũng chủ yếu lại do từ dân thường và báo chí phát hiện ra. Còn thông tin từ các cấp tổ chức Đảng, đảng viên, cán bộ là rất hiếm, phải chăng họ chưa đồng lòng chống tham nhũng? Đây là một điều rất đáng suy nghĩ vì  qua đó thấy rằng tỷ lệ những người đồng lòng chống tham nhũng cao hay thấp”.

Ông Ngoạn phân tích thêm, đáng ra tập thể Đảng uỷ, UBND các cấp phải là chủ lực lãnh đạo tổ chức chống tham nhũng, nhưng tiếc rằng một tập thể là Thường vụ Thị ủy Đồ Sơn lại bàn và ra nghị quyết về chia đất, thực chất là tham nhũng đất đai.

Ông Ngoạn khẳng định: Cả nước đâu chỉ có Đồ Sơn? Cuối cùng, ông Ngoạn kiến nghị: Hiện nay có ý kiến cho rằng những người tham nhũng và không chống tham nhũng có vẻ áp đảo những người chống tham nhũng nên cần phải tìm cách “lật ngược” tình thế-tức là mở rộng dân chủ để  sao cho những người quyết tâm chống tham nhũng phải có số lượng và thế áp đảo thì mới chống tham nhũng có hiệu quả được.

Phát biểu kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu hứa sẽ tiếp thu các ý kiến để đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào nghị quyết nhiệm vụ năm 2007 mà Quốc hội sẽ thông qua vào cuối kỳ họp này.

Tranh luận tại nghị trường

Bị lừa hay phong bì?

Lấy tiền của Nhà nước thì bảo là tôi bị lừa, vụ Nguyễn Lâm Thái, vụ RUSALKA ở Khánh Hòa... đụng đến các đồng chí có trách nhiệm thì bảo là tôi bị lừa, Bộ KH-ĐT bị lừa, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng bị lừa, Bưu chính- Viễn thông cũng bị lừa, tất cả đều bị lừa hết.

Tôi có suy nghĩ là tại sao mà những đồng chí có trách nhiệm như thế, có trình độ như thế mà lại bị lừa “dữ dội” như vậy. Mà cứ quản lý tài sản của Nhà nước là bị lừa thôi, các doanh nghiệp tư nhân người ta có bị lừa như kiểu này không?

Đúng là các đồng chí bị lừa thật, nhưng tiền các đồng chí nhận là tiền thật, tiền của Nhà nước, tiền của dân mất là tiền thật. Cho nên, rõ ràng bản Báo cáo đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta chưa thể hiện đúng được thực trạng của nó.

 Ông Nguyễn Đức Dũng, ĐBQH Kon Tum

Hầu hết các dự án lớn muốn được giải quyết nhanh, con đường ngắn nhất là đưa hối lộ với giá trị cao, đại biểu Dũng có nói các cơ quan bảo là chúng tôi bị lừa.

Chúng tôi  nghĩ không có phong bì, hối lộ có khi không cơ quan nào bị lừa. Hoặc để che chắn khi bị thanh tra, kiểm tra như vụ dầu khí Vũng Tàu, vụ PMU18, không phải ngẫu nhiên mà bọn tội phạm tìm mọi cách để mua bằng được các cán bộ cơ quan thanh tra, điều tra, tố tụng và các cơ quan xét xử.

 Ông Trịnh Thanh Vân, ĐBQH Hà Nội

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.