Sáng 26/12, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương (T.Ư) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 15, khóa IX, để thảo luận, cho ý kiến vào các báo cáo hiệp thương để bổ sung thay thế Ủy viên Ủy ban và Ủy viên Đoàn Chủ tịch.
Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2022, ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nêu rõ: Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nước ta đã cơ bản thực hiện thắng lợi, khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ.
Hội nghị lần thứ 15 Đoàn Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam |
Về tình hình nhân dân, theo Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam, nhân dân tiếp tục quan tâm, ghi nhận, đánh giá cao và tin tưởng vào sự quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Các cơ quan chức năng đã điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao trong vụ án Việt Á; vụ án “chuyến bay giải cứu” vụ án thao túng thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu trái pháp luật ở một số Tập đoàn như tập đoàn Vạn Thịnh Phát…
Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng đẩy nhanh xét xử các vụ án tham nhũng, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các cấp, người đứng đầu trong các dự án lớn gây thua lỗ, thất thoát tài sản của nhà nước và thông tin công khai cho người dân biết, thực hiện có hiệu quả việc thu hồi tài sản tham nhũng; giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.
Về tình hình kinh tế- xã hội, nhân dân đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có các chính sách để bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu để tránh đầu cơ trục lợi, gây tổn hại cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, nhân dân cũng lo lắng trước tình trạng thất nghiệp của nhiều công nhân, lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại các địa phương, nhất là vào thời điểm cuối năm.
Theo báo cáo bước đầu của 21 tỉnh, thành phố tổng số công nhân, người lao động bị ảnh hưởng do cắt giảm giờ làm và ngừng hợp đồng lao động (thất nghiệp) có khoảng hơn 423 nghìn người, trong đó có trên 361 nghìn bị cắt giảm giờ làm, 51 nghìn người bị cắt hợp đồng và hơn 11 nghìn người bị ảnh hưởng do giảm giờ làm và ngừng hợp động lao động.
"Nhân dân đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời quan tâm hỗ trợ đối với công nhân, người lao động bị thất nghiệp", báo cáo của Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam nêu rõ.