Xử lý gian lận thi ở Hòa Bình, Sơn La: Bộ GD&ĐT 'lúng túng' là đúng thôi

PGS Lê Hữu Lập
PGS Lê Hữu Lập
TPO - Liên quan đến xử lý 'gian lận' điểm thi THPT 2018 với PGS Lê Hữu Lập- Nguyên Phó giám đốc HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, Bộ GD&ĐT lúng túng là đúng thôi.

PGS Lập cũng đặt câu hỏi với cơ quan chức năng rằng vì sao đến hiện tại vẫn chưa công khai thông tin những phụ huynh đã can thiệp để nâng điểm cho con mình.

Giấu danh tính thí sinh gian lận?

Theo ông, việc xử lý những thí sinh liên quan gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La nên được xử lý như thế nào? Bộ GD&ĐT vừa chính thức thông tin là các thí sinh dính 'gian lận' thi ở Hòa Bình, Sơn La năm 2018 vẫn được dự thi THPT quốc gia năm 2019. Cá nhân ông thấy như vậy có phù hợp?

PGS Lê Hữu Lập: Trước đây, thời kỳ mà các trường đại học tổ chức thi riêng thì những gian lận trong kỳ thi: Như thi hộ, cho bạn chép bài, quay cóp, mang tài liệu vào phòng thi... thì tùy theo mức độ đều lập biên bản, đuổi ra khỏi phòng thi hoặc trừ điểm bài thi. Riêng trường hợp thi hộ, thì không công nhận kết quả thi, người được thi hộ bị tước quyền thi 1 năm tiếp theo, và người thi hộ cũng bị xử lý theo pháp luật.

Nhưng hiện nay, với trường hợp nâng điểm bài thi như năm 2018 do Quy chế chưa đề cập đến việc nâng điểm thì có xử lý tước quyền thi những năm tiếp theo hay không. Hơn nữa, nguyên do việc nâng điểm chưa chắc thuộc về các em, mà do cha mẹ phụ huynh nhờ vả và những lý do khác nữa mà cơ quan điều tra cũng chưa công bố. Do vậy, tôi nghĩ là chưa thể cấm các em thi 2019 được, vẫn phải cho thi luôn thôi.

PV: Xử lý 'gian lận' thi Hòa Bình, Sơn La, có ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT và các trường ĐH đều lúng túng trong việc xử lý những thí sinh này. Nguyên nhân là do quy chế thi THPT quốc gia 2018 không có bất cứ điều khoản nào xử lý thí sinh được gian lận bài thi ở khâu chấm thi. Ông có đồng tính với ý kiến này?

Bộ GD&ĐT lúng túng là đúng thôi vì công bố danh tính thí sinh gian lận còn chưa dám làm thì còn làm tiếp gì được nữa. Như vậy, phải bổ sung quy chế thi 2019 những nội dung như: khi phát hiện thí sinh được nâng điểm phải công bố danh tính. Thứ 2, phải tước quyền thi và xét tuyển vào đại học 1 năm tiếp theo.

Khi đã có quy chế rồi, mà vẫn vi phạm thì cứ theo quy chế mà làm. Lúc đó khỏi lúng túng.

"Thí sinh gian lận quá còn gì"

PV: Một số thí sinh được nâng điểm nhưng khi trả về điểm thật vẫn đủ điểm trúng tuyển, hoặc một số thí sinh đã né không dùng tổ hợp có môn thi nâng điểm để xét tuyển vẫn được các trường cho tiếp tục học. Cách xử lý này đang gây dư luận trái chiều. Còn quan điểm của  ông như thế nào?

Vào đại học điểm là một chuyện, còn ý thức đạo đức nữa chứ. Biết kết quả đó không phải của mình, mà vẫn ung dung nhập học, thì gian lận quá còn gì. Đây có phải phạm trù đạo đức không. Đào tạo ra một con người tốt cần trên nền tảng năng lực, và ý thức tự giác cũng như trách nhiệm công dân (phạm trù đạo đức). Và 1 năm để nhìn nhận lại sai lầm của gia đình và cá nhân trong trường hợp này không phải là dài.

Nên theo tôi, cần hủy kết quả xét tuyển vào đại học của những thí sinh này.

PV: Gần đây, nhiều ý kiến tranh cãi về việc có nên hay không công bố danh tính của những thí sinh được nâng điểm thi THTP quốc gia 2018 và cả những phụ huynh nhúng tay phù phép nâng điểm, mà nhiều em trong số đó đã trúng tuyển vào các trường đại học danh tiếng. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Bộ và cơ quan điều tra phải tìm ra phân loại động cơ những trường hợp được nâng điểm (từ những người bị bắt và khởi tố) là anh làm từ nguyên cơ nào: vì mối quan hệ, vì tiền. Đối tượng nhờ vả là ai? Qua đó để có cách xử lý. Tuy nhiên có thể năm nay không công bố danh tính của bố mẹ, nhưng cần đưa vào quy chế để răn đe từ năm 2019 ngoài 2 điểm tôi đã nói ở trên thì cần công bố danh tính của phụ huynh. Đây là biện pháp quan trọng để răn đe chủ mưu gian lận.

Tất nhiên năm nay làm mạnh thì sang năm chắc khó xảy ra nữa. Nói chung là quản lý luôn theo sau, có khi nó phát sinh thứ khác mà Bộ GD&ĐT chưa lường hết được.

Xin cảm ơn ý kiến của ông!

MỚI - NÓNG