54 điều của quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp 2018 chỉ duy nhất điều 49 quy định chế tài xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi. Nhưng tại điều này, không có bất kỳ mục nào quy định chế tài xử lý thí sinh gian lận điểm thi tại khâu chấm thi.
Tất cả các chế tài đều hướng đến xử lý thí sinh vi phạm trực tiếp. Tức là bắt được “quả tang” thí sinh vi phạm như quay cóp, nhờ người thi hộ, sử dụng công nghệ cao… Có vẻ như quy chế đã không lường hết được các tình huống gian lận thi cử.
Một điều khiến dư luận dậy sóng, đó là thí sinh gian lận bị buộc thôi học nhưng năm 2019 vẫn tiếp tục được thi như bình thường; thí sinh gian lận bị hạ điểm nhưng vẫn đủ điểm trúng tuyển vào trường ĐH đang theo học thì vẫn được học bình thường.
Những người làm quản lý giáo dục thấy hai điều này bình thường còn dư luận lại thấy bất bình thường. Các trường ĐH dù biết thí sinh trúng tuyển bằng điểm ảo, ra quyết định thôi học nhưng chỉ là quyết định trong hội đồng tuyển sinh và sinh viên đó biết.
Còn các sinh viên khác, họ không được biết thời gian qua có những sinh viên dởm ung dung ngồi bên cạnh mình nhờ điểm giả, nhất là đối với những trường ĐH có điểm chuẩn cao như Y, Ngoại thương hay khối trường công an quân đội.
Đây là những trường mà để có một suất vào học, mỗi thí sinh phải “trầy da tróc vẩy” để học, để thi. Trong khi đó, thủ khoa trường quân đội được nâng tới 18,7 điểm, top 3 trúng tuyển ngành Y đa khoa danh giá (ĐH Y Hà Nội) được nâng 15,3 điểm.
Thật khó có thể chấp nhận được cách xử lý các sinh viên dởm này như hiện nay. Nhưng phải chăng, nguyên nhân chính vẫn là do quy chế của Bộ GD&ĐT đã để “con voi chui lọt lỗ kim” mà không có chế tài để xử lý ?
Dư luận cho rằng đã có hành vi gian lận thi (trực tiếp hay gián tiếp) thì đều phải bị xử lý như nhau. Vụ việc tại Sơn La và Hòa Bình, để cho những thí sinh được nâng điểm, nhưng điểm thực vẫn đủ điểm trúng tuyển, theo học bình thường là lỗ hổng trong quy chế. Các sinh viên này cũng cần xử lý như những thí sinh gian lận có điểm thực thấp hơn điểm trúng tuyển vào ĐH.
Nên nhớ rằng, một thí sinh vô tình không cố ý mang điện thoại vào phòng thi, đã tắt điện thoại, không dùng điện thoại để quay cóp, nhưng nếu bị phát hiện vẫn bị lập biên bản đình chỉ như thường. Và như thế, kỳ thi đó với những thí sinh này đã chấm dứt, nếu chưa tốt nghiệp coi như trượt tốt nghiệp, mọi cánh cửa vào ĐH khép lại.
Bởi vậy, quy chế tới cần bổ sung ngay tình huống thí sinh gián tiếp gian lận như các trường hợp kể trên. Nâng nửa điểm có thể không biết, nhưng nâng 5-7 điểm tới hàng chục điểm, biến 0 thành 9, biến 0,45 thành 27 điểm, không thể nói thí sinh không biết.
Tất cả những trường hợp gian lận kiểu đó, thí sinh đều phải bị tước quyền vào học ĐH và tốt nghiệp. Đó mới là sự công bằng, nghiêm minh và đủ sức răn đe đối với các hành vi gian lận tương tự.