Xử lý với thí sinh gian lận thi Hòa Bình, Sơn La: Nhân văn hay dung túng?

TPO - Xử lý ra sao với những thí sinh gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018. Nên tước quyền dự thi trong 2-3 năm của những thí sinh này, hay cho các em dự thi ngay trong năm 2019 này vì quy chế hiện không cấm?

Cách đây mấy ngày, Bộ GD&ĐT đã thông tin thí sinh 'gian lận' thi THPT quốc gia 2018 có thể được đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia ngay trong năm 2019. Bên cạnh đó,  các trường ĐH có thí sinh bị hạ điểm nhưng vẫn đủ điểm trúng tuyển vẫn cho phép sinh viên được học bình thường.

Nhiều ý kiến cho rằng, những thí sinh đã gian lận điểm thi bị hạ điếm sẽ không thể tiếp tục được theo học dù vẫn đủ điểm trúng tuyển mà cần buộc thôi học hết.

Cho 0 điểm và buộc thôi học hết

Việc xử  lý những thí sinh gian lận nhưng vẫn được theo học có một nguyên nhân là do quy chế thi THPT quốc gia 2018 không có bất cứ điều khoản nào xử lý thí sinh được gian lận bài thi ở khâu chấm thi.

Nêu quan điểm về vấn đề này, độc giả Nguyễn Văn Chung cho rằng, những thí sinh gian lận này không chỉ buộc thôi học mà điểm thi tốt nghiệp về 0 điểm hết (trượt tốt nghiệp phổ thông).

“Phải xử phạt làm sao mà có bán điểm thì phụ huynh, học sinh cũng không dám mua nữa. Chứ xử phạt nhân văn quá khác nào dung túng cho hành vi sai trái tiêu cực tiếp diễn”- độc giả này nêu quan điểm.

Trước lý do việc không đuổi các thí sinh này vì “nhân văn” và vì quy chế, độc giả La Phương Thúy cho rằng, các em không có tiền để mà chạy chọt. Mặt khác,  các em này biết thừa học lực của mình không thể có số điểm thi cao như thế nhưng đâu thể nói ra, cứ mặc kệ miễn sao ta có lợi. Vậy cái tội lớn nhất là của phụ huynh các em, đặc biệt là các vị quan chức mà đến giờ vần làm như vẻ vô can.

Theo độc giả này, phải công khai danh tính những kẻ này và xử lý thích đáng, còn các em chỉ cần buộc thôi học là đủ. Phải buộc thôi học tất cả mới công bằng với các em học sinh bị mất cơ hội vào đại học do những kẻ gian manh này.

Một độc giả khác cho rằng, việc Bộ GD&ĐT xử lý như vậy sẽ tạo tiền lệ xấu: “Theo tôi, tất cả bài thi có gian lận cho về 0 điểm hết. Nhân văn đồng nghĩ với dung túng rồi còn gì” độc giả Nguyễn Trọng Thanh nói.

Không phải lúc cần “nhân văn”

Độc giả Nguyễn Đức Sinh cho rằng, việc cần làm là công khai danh sách những chủ thể mua và bán điểm gian trá này cho xã hội. Cấm thi 3- 5 năm những thí sinh đã hưởng lợi từ sự gian trá này cho toàn bộ hệ thống giáo dục đào tạo.

Độc giả Nguyễn Anh Thư đặt câu hỏi, không biết bộ GD&ĐT có biết vụ khởi tố phụ huynh chạy trường cho con tại Mỹ gần đây không, thậm chí còn có thể ngồi tù. Tại sao Việt Nam không làm thế. Đây là lúc cần thật nặng tay để răn đe chứ không phải nhân văn.

Cô giáo Nguyễn Thị Linh, một giáo viên cấp 3 ở Hà Nội chua xót cho rằng, có thể hiện tượng chạy điểm, nâng điểm này đã diễn ra nhiều năm trước.

“Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT thành lập một ban chuyên trách rà soát lại kết quả thi của những năm trước sẽ rõ.  Đây là vấn đề rất nghiêm trọng nên rất cần làm nghiêm túc, triệt để”- bà Linh cho hay.

Còn độc giả Nguyễn Hồng Vân cho rằng: “Tôi cũng nghĩ như vậy. Nếu lần đầu gian lận thì số lượng chưa thể nhiều đến thế và thủ đoạn cũng chưa thể tinh vi như vậy”.

Và thực tế cho rằng, vụ gian lận điểm thi năm nay của Sơn La, Hòa Bình có “dính líu” đến cả những năm trước.

Cụ thể, Đ.N.T là cái tên được biết đến là thí sinh dân tộc đạt 2 điểm 10 của Hòa Bình năm 2017 . Thế nhưng kết quả điều tra của cơ quan công an cho thấy, T cũng là thí sinh duy nhất năm 2017 được nâng điểm. Và không chỉ được nâng 3 môn mà T được nâng điểm tới 5 môn.

Đ.N.T học sinh dân tộc Mường có điểm thi Văn 8,75; GDCD 9,5; Anh 9,6, đặc biệt là 2 môn Sử và môn Địa đạt điểm 10. Đây là học sinh dân tộc có điểm cao nhất tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tỉnh Hòa Bình.

Nhưng kết quả chấm thẩm định lại cho thấy, T có 5 môn được nâng điểm gồm: Môn Toán điểm lần 1 là 9.4 điểm, chấm thẩm định là 5.2 điểm; Môn Sử chấm lần 1 là 10 điểm, chấm thẩm định là 9 điểm; Môn Địa chấm lần 1 là 10 điểm, chấm thẩm định là 9,25 điểm; Môn Giáo dục công dân chấm lần 1 là 9.5 điểm nhưng chấm thẩm định được 8.75 điểm; Môn ngoại ngữ chấm lần 1 là 9.6 điểm nhưng chấm thẩm định là 3 điểm. Như vậy tổng điểm 5 môn mà T được tăng là 13.3 điểm.

Với số điểm được công bố lần 1, T đã đủ điều kiện vào học tại Học viện An ninh nhân dân. Nhưng sau khi có kết quả chẩm thẩm định lại, T là thí sinh duy nhất trong 64 thí sinh của Hòa Binh được nâng điểm tại kỳ thi THPT quốc gia 2017 (63 thí sinh còn lại được nâng điểm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018).

So với kết quả ban đầu, kết quả chấm thẩm định lại T thiếu 0,25 điểm so với điểm chuẩn vào Học viện An ninh nhân dân năm 2017. Và T là 1 trong số 9 thí sinh bị Học viện An ninh bị trả về vừa qua.

Thí sinh Đ.N.T này là cháu của ông Đỗ Mạnh Tuấn, phó hiệu trưởng trường THPT, THCS Nội trú Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình (đã bị công an bắt tạm giam). Ông Tuấn đã trực tiếp can thiệp, nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho cháu của mình.

MỚI - NÓNG