Xử bầu Kiên: Luật sư cho rằng Viện kiểm sát áp dụng sai luật

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên xử
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên xử
TP - Ngày xét xử thứ tám (28/5), các luật sư tập trung làm rõ chuyện có không hành vi phạm tội của các bị cáo. Nhiều luật sư khẳng định, thân chủ của mình bị áp dụng sai luật, bị áp dụng chế định hồi tố. Có luật sư còn kiến nghị khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Ngân hàng Nhà nước.

Cơ quan tố tụng áp dụng sai luật?

Luật sư Nguyễn Minh Tâm (bào chữa cho bị cáo Trịnh Kim Quang) cho rằng, quá trình theo dõi vụ án xuất hiện nhiều tình tiết mới. “Tuy nhiên, trong phần kết luận, chúng tôi rất tiếc khi không thấy kiểm sát viên đề cập” – ông Tâm nói.

Nói đến những sai phạm về hình thức, luật sư Tâm cho rằng, quyết định khởi tố bị can đối với ông Quang vi phạm Điều 126 Bộ luật TTHS đã bỏ qua những nội dung quan trọng: Không ghi ngày lập biên bản HĐQT (22/3/2010), không ghi rõ Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, không ghi thời điểm Huyền Như chiếm đoạt số tiền.

Theo ông Tâm, đây là những thông tin rất quan trọng, bởi nếu đối chiếu vào thời điểm phạm tội và thời điểm có hiệu lực của Luật Các tổ chức tín dụng, có thể thấy cơ quan chức năng đang áp dụng “hồi tố” đối với các bị cáo (mà theo quy định pháp luật, chế định hồi tố chỉ áp dụng trong trường hợp có lợi cho bị can, bị cáo). Do vậy, theo quan điểm của luật sư, đây là quyết định khởi tố bị can không đúng quy định pháp luật, ảnh hưởng đến cả quá trình tố tụng sau này.

Thứ hai, theo luật sư Tâm, việc đang xét xử Huỳnh Thị Huyền Như trong “đại án 4.000 tỷ”, song lại mở tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm, dẫn đến tình trạng “án chồng án”. “Trong phần kết luận, đại diện cơ quan truy tố cho rằng, hậu quả vụ án này đã được xác định ở một vụ án khác. Đây là cách tiếp cận và giải quyết rất có vấn đề” - luật sư Tâm phân tích.

Xử bầu Kiên: Luật sư cho rằng Viện kiểm sát áp dụng sai luật ảnh 1

Luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng các bị cáo có dấu hiệu bị áp dụng chế định hồi tố

Theo luật sư Tâm, việc cáo trạng thể hiện, rõ ràng là không truy tố hành vi ký thông qua chủ trương ủy thác, và bỏ qua những mốc thời gian có trước khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, nhưng khi kết luận, đại diện cơ quan viện kiểm sát lại đưa vào. Cáo trạng chỉ truy tố bị cáo Cang về hành vi “thông qua nghị quyết” cùng các thành viên HĐQT khác trong việc đầu tư cổ phiếu, và không truy tố quá trình thực hiện đầu tư cổ phiếu.

Tiếp bài bào chữa, luật sư Tâm nhấn mạnh, hành vi của các thành viên HĐQT ký thông qua chủ trương ủy thác vào 22/3/2010 là không trái Luật Các tổ chức tín dụng, bởi luật này có hiệu lực từ 1/1/2011. Hơn nữa, chủ trương này phù hợp với các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 cùng các văn bản hướng dẫn khác của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, không có điều luật nào cấm việc ngân hàng ủy thác cho nhân viên đi gửi tiết kiệm. Và, hành vi này phù hợp với điều lệ của ACB. “Trước ngày 1/1/2011, không có bất cứ văn bản pháp luật nào cấm ngân hàng ủy thác cho cá nhân gửi tiền tiết kiệm”- luật sư Tâm khẳng định.

Cũng theo luật sư Tâm, “khi luật mới ban hành, nhưng chưa có bất cứ văn bản nào hướng dẫn, các cá nhân, tổ chức hoàn toàn được phép thực hiện tiếp các kế hoạch đã và đang triển khai trước đó. Đây là một thực trạng đang diễn ra hằng ngày”. Trên thực tế, ACB đã thực hiện ủy thác từ nhiều năm trước khi ban hành Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Ông Tâm thể hiện sự nhất trí cao với quan điểm của luật sư Hoàng Đôn Hùng, khi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải tự xác định trách nhiệm của mình một cách rõ ràng liên quan đến việc điều chỉnh hoạt động ủy thác.

Nói đến hành vi phạm tội của Huỳnh Thị Huyền Như, luật sư Tâm khẳng định, Huyền Như nếu có, thì đó là lừa đảo chiếm đoạt tiền của Vietinbank, chứ không phải từ “túi” của ACB. Nếu có đòi, Vietinbank sẽ đòi Huyền Như, và thực tế chính ACB cũng chỉ đòi Vietinbank chứ không đòi Huyền Như bồi hoàn thiệt hại. Vì vậy, nếu có hành vi “bị mất” hơn 718 tỷ đồng, sẽ không phải từ câu chuyện cố ý làm trái.

“Hôm qua, vị đại diện Viện kiểm sát cho rằng “vấn đề hậu quả không xem xét ở đây”, vậy xin thưa viện kiểm sát, các bị cáo bị cáo buộc tội danh Cố ý làm trái, vậy hậu quả ở đâu ạ? Tính nhân quả của hành vi phạm tội và hậu quả của tội đó ở đâu ạ?” – ông Tâm đặt câu hỏi về phía các công tố viên. Với những phân tích trên, luật sư Tâm cho rằng, bị cáo Trịnh Kim Quang không phạm tội Cố ý

làm trái.

Luật sư đề nghị tuyên bầu Kiên không phạm tội

Luật sư Vũ Xuân Nam (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên) tiếp tục phần tranh tụng trong phiên xử buổi sáng 28/5. Theo đó, xung quanh các hợp đồng tài chính, kinh tế của Cty B&B, luật sư này cho rằng, cần làm rõ việc cơ quan điều tra, hay viện kiểm sát có quyền đánh giá hợp đồng hợp pháp hay không.

Luật sư Hoàng Đôn Hùng (bào chữa cho bị cáo Kiên) phân tích, việc Thường trực Hội đồng quản trị của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông qua việc cấp hạn mức 700 tỷ để đầu tư cổ phiếu là hợp pháp. Bởi khi nhận thấy việc kinh doanh có lợi, các bên đã hợp tác với nhau để cùng sinh lời.

Cũng theo luật sư Hùng, việc một số ngân hàng hợp tác đầu tư để cùng mua cổ phiếu được xem là hợp pháp, bởi không có văn bản nào cấm đoán. “Nếu cơ quan chức năng can thiệp thô bạo vào các giao dịch thông thường, xem ra có thể gây nên những xáo trộn không đáng có trên thị trường” – luật sư Hùng phát biểu.

Luật sư Hùng cũng cho rằng, việc ủy thác là đúng luật, không vi phạm Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng. “Công dân được phép kinh doanh ngành nghề mà pháp luật không cấm” – ông Hùng nói. Trên thực tế, chưa có văn bản của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng, “không thể tư duy khi chưa có văn bản hướng dẫn là phạm luật được”- ông Hùng giải thích.

Cũng theo luật sư, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng ACB không được ủy thác khi chưa có hướng dẫn. Nhưng, quan điểm này lại mâu thuẫn với chính văn bản (Công văn 350) của Ngân hàng Nhà nước khi đồng ý cho ACB ủy thác.

“Phải chăng Ngân hàng Nhà nước đang lúng túng, không xác định được ACB đang vi phạm văn bản nào trong nghiệp vụ ủy thác. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản giải thích rõ ràng điều này” - ông Hùng đề nghị. Hồ sơ vụ án cho thấy, ACB đã thực hiện ủy thác từ năm 2005, và có thể hiểu, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước đã cho phép những ngân hàng này được phép ủy thác.

Nói đến khoản tiền ủy thác hơn 718 tỷ đồng, luật sư Hùng cho rằng “một số cán bộ Vietinbank bị xử lý về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng thiệt hại cơ quan chức năng lại cho đó là của ACB là chưa thuyết phục”.

“Đúng ra, phải đợi vụ án Huyền Như xét xử phúc thẩm thì mới xử được Nguyễn Đức Kiên, bởi còn liên quan đến những quy kết trách nhiệm của các ngân hàng trong vụ việc” - luật sư Hùng phát biểu.

Cũng theo ông Hùng, theo quy kết của cơ quan công tố, có đến 26 ngân hàng cùng tham gia nhận tiền gửi của ACB, nhưng cho đến nay, chưa có bất cứ cá nhân hay tổ chức nào bị phải xem xét trách nhiệm, ngoài vài nhân viên của Vietinbank.

Trước khi kết thúc phần bào chữa của mình, luật sư Hùng kiến nghị HĐXX khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Ngân hàng Nhà nước; tuyên bị cáo Nguyễn Đức Kiên không phạm tội cố ý làm trái...

MỚI - NÓNG